Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Đức Trung nói về giải ngân vốn đầu tư công?
Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Đức Trung: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Q.D
Thứ tư, ngày 23/09/2020 10:22 AM (GMT+7)
Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ kinh nghiệm về giải ngân đầu tư công khi Nghệ An là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 60% và là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung
Ngày 22/9, tại buổi hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" do KTNN nước tổ chức, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Lập Tổ công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, đối với tỉnh Nghệ An, quán triệt và thực hiện nghiêm chi đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành nên kết quả giải ngân 8 tháng đầu năm đạt được khá tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 31/8, tỷ lệ giao kế hoạch vốn NSTW của tỉnh đạt 97,63%; vốn ngân sách địa phương quản lý giải ngân đạt 7.887,234 tỷ đồng/KH giao chi tiết là 12.358,832 tỷ đồng, đạt 63,82%; Trong đó, giải ngân nguồn đầu tư tâp trung: 4.492,651 tỷ đồng/KH giao chi tiết 6.761,187 tỷ đồng đạt 66,45% (riêng giải ngân vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 73,36%, vốn ngân sách trung ương đạt 56,64%).
Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ, để có được kết quả nêu trên, thời gian qua Nghệ An đã tâp trung thực hiện nhiều giải pháp thiết thực như bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện kịp thời, sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa để chỉ đạo trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh chủ trương thực hiện giao vốn kịp thời ngay khi có quyết định giao vốn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Mặt khác, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trình đã chủ động xây dựng và giao kế hoạch phù hợp với tiến độ thực tế của các chương trình, dự án.
Tỉnh cũng đề xuất Hội đồng nhân dân họp phiên bất thường để thông qua chủ trương đầu tư một số dự án cấp bách của địa phương sử dụng nguồn dự phòng chung ngân sách trung ương. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực sự vào cuộc, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công. Hàng quý, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và thông báo tỷ lệ giải ngân đến từng Giám đốc Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để có đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.
Chủ tịch Nghệ An thông tin thêm về việc tâp trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án mới sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương kịp thời.
"Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh thành lâp Tổ công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công. Đối với các công trình trọng điểm, UBND tỉnh đã có phân công chi đạo cho từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chi đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp bàn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đảm bảo tiến độ được giao", ông Trung cho hay.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc với từng ngành và 21 huyện, thành phố, thị xã để rà soát tiến độ giải ngân từng dự án, đốc thúc và kiến nghị đề xuất điều chinh, điều chuyển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nghệ An cũng cho rằng, dù đạt được những kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm khá tích cực, nhưng Nghệ An vẫn nhân thấy kết quả đạt được vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết 100% chi tiêu kế hoạch được giao trong năm 2020 thì trong những tháng còn lại của năm cần tiếp tục tâp trung chi đạo quyết liệt và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với yêu cầu của Chính phủ
Cũng tại buổi hội thảo, ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước – chia sẻ, số vốn giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức 159.000 tỷ đồng – tương ứng 33,9% kế hoạch vốn do Quốc hội giao – gồm 145 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn trong nước, 7,061 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn vay nước ngoài và 7,065 ngàn tỷ đồng là vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tỷ lệ này dù đã tăng khoảng 5,34% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân", ông Tiên cho biết.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định, bên cạnh nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nguyên nhân chủ quan là sự chậm trễ của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án tại một số khâu, gồm: hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công còn chậm…
Thậm chí, vai trò chỉ đạo, tinh thần dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương cũng chưa được đề cao.
Thêm vào đó, kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là ở các dự án dưới thực hiện theo hình thức đối tác công tư...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.