Chủ tịch UBND TP.HCM đăng đàn trả lời chất vấn kỳ họp Hội đồng Nhân dân khóa X

Bạch Dương Thứ năm, ngày 08/12/2022 17:02 PM (GMT+7)
Chiều 8/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đăng đàn trả lời chất vấn tại ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM đăng đàn trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, HĐND TP.HCM đã thông qua chương trình đến năm 2030 và kế hoạch nhà ở đến năm 2025 với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Sở Xây dựng đang tham mưu tập trung triển khai 18 dự án, rà soát hoàn thiện đề án thay thế nhà trên và ven kênh rạch với số lượng 20.000 căn và phát triển nhà lưu trú công nhân, trong đó có nhà cho thuê, nhà ở xã hội…

"Lãnh đạo TPHCM sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu giải pháp đã đề ra. Đây cũng là một nội dung đăng ký dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam", ông Mãi nhấn mạnh.

Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM là địa phương tự cân đối nguồn lực, được Trung ương phân bổ số vốn đầu tư công 55.000 tỷ đồng. TP đã rà soát cân đối có thể có được 45.000 tỷ đồng, còn "thiếu" 10.000 thì có thể cân nhắc ở một số lĩnh vực, như rà lại đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương, hay tăng nguồn thu từ các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù của thành phố.

Về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 2022 chậm, có 4 nguyên nhân chính, trong đó tập trung vào chuẩn bị hồ sơ các dự án, nhất là các dự án từ nhiệm kỳ trước chuyển sang. Vì thế, các dự án tới đây sẽ phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, từ nay đến hết quý 1/2023 sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ để xác định dự án nào có thể hoàn thành.

Các nguyên nhân còn lại là giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết vướng mắc từng dự án cụ thể, trách nhiệm của chủ đầu tư… Tính từ đầu năm đến nay, TP mới chỉ đạt 21% số tiền giải ngân cho giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đặt câu hỏi về kinh phí hỗ trợ cho người dân khó khăn do Covid-19 đến nay vẫn chưa hoàn thành, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận, dịch Covid-19 đã kết thúc một năm mà chưa giải quyết được hết chính sách là quá trễ.

"Chính sách cho lực lượng tham gia chống dịch có chậm, nhưng cơ bản cũng đã giải quyết, còn phần phát sinh khoảng 57 tỷ đồng, thành phố đã thống nhất phương án bổ sung kinh phí để hỗ trợ. Khi thực hiện gói hỗ trợ số 2, do yêu cầu lúc đó rất khẩn trương, UBND đã báo cáo để thực hiện, nhưng do tình thế cấp bách nên việc xây dựng dự toán và thủ tục chưa được đầy đủ", ông Mãi giải thích. 

Ông cũng kiến nghị HĐND TP.HCM thông qua từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để chi gói này. Gói hỗ trợ thứ 3 hiện còn khoảng 849 tỷ đồng, chủ yếu ở Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh sẽ tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch UBND TP.HCM đăng đàn trả lời chất vấn - Ảnh 3.

Đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân

Ông Mãi cũng nhận khuyết điểm trong việc chậm chỉ đạo triển khai các Nghị quyết của HĐND TP và khẳng định sẽ rút kinh nghiệm để triển khai thời gian tới.

Liên quan đến xây dựng chính quyền đô thị, ông Mãi cho rằng khi triển khai mô hình này, thành phố đã triển khai tuyên truyền rộng rãi, nhưng việc tuyên truyền chưa đạt được mức độ mọi người cùng hiểu chung một cách.

Thời gian qua, cũng có một số bất cập, trong đó có việc cấp quận, phường không chủ động được ngân sách. UBND TP.HCM đã nhận thấy điều này và dùng gói điều hành kinh tế xã hội cho các quận, đề xuất cơ chế cho quận, phường vẫn được thực hiện.

Báo cáo trước phiên chất vấn về tình hình kinh tế xã hội, bên cạnh những thành quả phục hồi kinh tế xã hội, kiểm soát dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ rõ những "điểm xám" còn tồn tại. Đó là là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến những tồn đọng lớn nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguồn lực phát triển chưa thông suốt. Từ đầu quý 4, thị trường tín dụng, trái phiếu biến động, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, thị trường bất động sản, tâm lý e dè, ngại trách nhiệm xuất hiện làm đình trệ công việc của TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, càng khó khăn thì TP.HCM càng phải năng động, sáng tạo để vượt qua. Trước mắt, thành phố tập trung giải ngân đầu tư công đạt trên 80%, tháo gỡ vướng mắc trong khả năng của TP để doanh nghiệp vượt khó khăn. Trong đó, tập trung bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là khi dịp Tết sắp tới.

Đồng thời, TP.HCM sẽ tập trung dự báo tình hình 2023 như sức ép lạm phát rất lớn, tỷ giá tăng, tình hình bất động sản, trái phiếu khó khăn, nợ xấu tăng, khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản ảnh hưởng đến thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem