Chú trọng thiết chế văn hóa, con người trong Xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh
Chú trọng thiết chế văn hóa, con người trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 06/06/2023 16:34 PM (GMT+7)
Ngày 6/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM", trong đó nhấn mạnh việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là hết sức cần thiết.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề: Một số quan điểm chung về không gian văn hóa; Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở cơ sở; Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên báo chí, xuất bản và mạng xã hội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền cho biết, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là hết sức cần thiết, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của Nhân dân TP đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định – TP.HCM; vừa phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người TP.
Hội thảo khoa học "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp" nhằm mục đích xác định rõ thêm nội dung quan trọng trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP được toàn diện, sâu sắc.
Chú trọng thiết chế văn hóa, con người trong Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng được Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI thông qua và đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP mang tên Bác, Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng: "Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nhiều năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, có nhiều chương trình, tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác đi vào lòng người.
Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác, việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân thiện - mỹ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác".
PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đề xuất, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác. Để làm được điều này cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực con người. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, mang tính phong trào, hời hợt dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, TP đang từng bước xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa, gắn với hoạt động du lịch với quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người TP. Do vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Có giải pháp đồng bộ giữa ngành văn hóa và các ngành, các cấp để tạo ra những mô hình hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn TP. Tổ chức nhiều không gian để tiếp nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, hiến kế xây dựng môi trường văn hóa TP phát triển lành mạnh, bền vững.
PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, chia sẻ: "Việc hiện thực hóa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác vừa đặt ra những yêu cầu bức thiết, vừa tạo ra những cơ hội mới để lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và các văn nghệ sĩ của thành phố thể hiện tâm huyết, tài năng của mình, góp phần làm cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở đây trở thành một không gian thấm đẫm tình Người, vừa tiên tiến, hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc của văn hóa đất phương Nam.
Chúng ta từng có "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", mong rằng sẽ có nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của thành phố xuất hiện những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật sâu sắc, đa dạng, phong phú, đi vào lòng người, đóng góp những viên gạch xây nền móng cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.