Chưa chọn xong nhà đầu tư, vẫn khởi công sân bay Long Thành quý I/2021

Thế Anh Thứ tư, ngày 04/11/2020 10:37 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mọi hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với các lực lượng quân đội, công an.
Bình luận 0

Lựa chọn nhà đầu tư như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành. Đây là dự án các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên cơ sở các nhóm hạng mục công trình của Dự án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phân loại và đề xuất hình thức đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước đã căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ phân tích đánh giá về cơ sở pháp lý của việc giao chủ đầu tư dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành.

Chưa chọn xong nhà đầu tư sân bay Long thành vẫn khởi công quý I/2021 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng.

"Đối với tính pháp lý của dự án sân bay Long Thành, Điều 156 Luật Đất đai năm 2013, đất xây dựng công trình hàng không sẽ không phải thực hiện đấu giá đất", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ tại báo cáo.

Về việc xây dựng các hạng mục của sân bay Long Thành, theo Nghị định 46/2015 của Chính phủ quy định công trình nhà ga hàng không được phân cấp là công trình dân dụng. Do đó, các hạng mục này của sân bay Long Thành không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị định số 25 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Việc lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện các hạng mục của Dự án thành phần 3 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với tiến độ đầu tư dự án sân bay Long Thành, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân bay Long Thành bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng Dự án giai đoạn 1 là chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Được biết, tại báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trước đó, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề nghị Thủ tướng giao ACV thực hiện Dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu của cảng hàng không (dự kiến khoảng hơn 93 nghìn tỷ đồng).

Trong báo cáo thẩm định Dự án sân bay Long Thành, Hội đồng thẩm định nhà nước đã lưu ý kết quả đánh giá của Tư vấn thẩm tra cũng như giải trình của Bộ Giao thông Vận tải thì tiến độ dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 là khó khăn. "Việc giao ACV là chủ đầu tư Dự án thành phần 3 sẽ bảo đảm đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ", báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chưa chọn xong nhà đầu tư sân bay Long thành vẫn khởi công quý I/2021 - Ảnh 2.

Mô phỏng sân bay Long Thành.

Đối với việc dự án sân bay Long Thành có vai trò bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia, thì sân bay Long Thành được xác định là nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, căn cứ dự bị của sân bay Biên Hòa, phục vụ cho tác chiến của lực lượng phòng không - không quân trong việc bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc cũng là cửa ngõ quốc gia tiếp đón chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia, nơi tập trung lớn số lượng người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Do đó, mọi hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, khai thác cảng với các lực lượng quân đội, công an. Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới thì Nhà nước nắm vai trò chủ đạo tại các cảng hàng không lớn, quan trọng của quốc gia.

Quý I/2021 vẫn sẽ khởi công

Hiện nay, ACV là doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối (95,4%) về khai thác cảng hàng không. Kể từ ngày 1/1/2021, ACV sẽ là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nên việc Nhà nước chỉ đạo ACV thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh tại cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ thuận lợi, bảo đảm xuyên suốt quá trình khai thác, vận hành Dự án.

Mặt khác, lực lượng an ninh hàng không của ACV (khoảng 3.500 người) thực hiện đảm bảo an ninh hàng không tại 22 cảng hàng không trên phạm vi cả nước đã có kinh nghiệm trong việc phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các chính quyền địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo quốc phòng, an ninh từ nhiều năm qua cũng như việc giao cho ACV là chủ đầu tư Dự án sẽ giữ được nguồn lợi kinh doanh từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho Quốc gia và bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và phù hợp với kinh nghiệm quản lý cảng hàng không của các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, báo cáo thẩm định Dự án số 6359/BC-HĐTĐNN, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đánh giá ACV đáp ứng đủ nguồn vốn tự có (36.102 tỷ đồng) và nguồn vốn vay (56.986,3 tỷ đồng) được các tổ chức tín dụng cam kết cho vay với khả năng lên đến 143.000 tỷ đồng.

Chưa chọn xong nhà đầu tư sân bay Long thành vẫn khởi công quý I/2021 - Ảnh 3.

Dự án sân bay Long thành đang giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tổng mức đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành là lớn nhất Việt Nam được lập theo đúng quy định tại Nghị định 68 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Dự án sân bay Long Thành có suất đầu tư 4.664,89 triệu USD/25 triệu hành khách giai đoạn 1, tương đương khoảng 186,59 triệu USD/1 triệu hành khách. Tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành đã được tư vấn thẩm tra xác định theo đúng quy định, suất vốn đầu tư cũng được so sánh, đánh giá với các cảng hàng không quốc tế trên thế giới và bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư như ý kiến chỉ đạo của Quốc hội.

Trước đó, Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành có quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách; suất vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.

Cũng tại báo cáo thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã nêu suất vốn đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 thuộc nhóm ngưỡng cao của các sân bay trên thế giới đã đầu tư.

Hội đồng cũng lưu ý trong giai đoạn tiếp theo, sau khi dự án sân bay Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và chủ đầu tư các dự án thành phần chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật và xác định chi phí, tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư và hiệu quả đầu tư.

Về tiến độ dự án xây dựng sân bay Long Thành, ngày 2/11, tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kế hoạch, cuối tháng 12/2020 sẽ khởi công hàng rào của sân bay Long Thành.

"Quý I/2021 sẽ khởi công san lấp mặt bằng; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định và cho biết, Bộ GTVT đang điều hành quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem