Chuyện chưa kể về tình báo Việt Nam (Phần 1)

Thứ năm, ngày 01/06/2017 20:30 PM (GMT+7)
Ngành tình báo Việt Nam được thành lập ngày 25.10.1945 – chỉ khoảng 1 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Bình luận 0

Thành lập ngày 25.10.1945, Tình báo Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, ổn định tổ chức và bước vào hoạt động, phục vụ mục tiêu giữ vững độc lập và kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Loạt bài về Tình báo Quốc phòng (TBQP) trong kháng chiến chống Pháp với những câu chuyện ít người biết tới giúp độc giả hiểu rõ hơn tính chất nhiệm vụ, thành tích của một ngành đặc biệt trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

img

Trụ sở của Phòng Tình báo ngày đầu thành lập tại số 67 phố Bà Triệu (Hà Nội).

Ngày đầu thành lập

Phải qua nhiều lần liên hệ, chúng tôi mới có cơ hội được làm việc với cán bộ, nhân viên Bảo tàng Tổng cục Tình báo (Tổng cục II). Đại úy Trần Văn Minh, Trợ lý của Bảo tàng chia sẻ, đó là những quy định của ngành trong cung cấp thông tin phải chấp hành tuyệt đối. Khi nhìn thấy tài liệu đươc các cán bộ, nhân viên ở đây sưu tầm và cung cấp, chúng tôi rất phấn khởi, quên hết những khó khăn trước đó. Thế nhưng, những tài liệu mà chúng tôi có được rất khái lược.

Theo tài liệu, trụ sở ban đầu của Phòng Tình báo, Bộ Tổng tham mưu (tiền thân của Tổng cục Tình báo, nay là Tổng cục II) đặt tại nhà số 67 phố Bà Triệu, Hà Nội. Ngày 25.10.1945, tại trụ sở Bộ Tổng Tham mưu, số nhà 16 Ri Ki ê (nay là số nhà 18 Nguyễn Du-Hà Nội), đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái tuyên bố thành lập Phòng Tình báo-Bộ Tổng Tham mưu. Lúc ấy, đồng chí Hoàng Minh Đạo được chỉ định giữ chức Chánh phòng (Trưởng phòng), đồng chí Bùi Huy Bê giữ chức Phó chánh phòng. Sau thành lập, cán bộ, nhân viên của Phòng Tình báo phải chạy đua với thời gian để vừa tuyển người, vừa huấn luyện, đồng thời phải kịp bố trí lực lượng nắm địch tại các địa bàn.

Cũng trong tài liệu, phương thức nắm địch lúc này của tình báo quốc phòng chủ yếu là tổ chức các trạm quan sát bằng mắt, đếm lính, đếm súng, đếm xe trên các trục đường hành quân, vị trí đóng quân của địch; khai thác các nguồn tin trong dân, lấy dân làm tai, mắt, rồi dần dần tổ chức đầu mối đi sâu điều tra và đã lấy được một số tin quan trọng như chủ trương của bọn Tưởng bao che cho bọn Quốc dân Đảng phá hoại cách mạng. Ở phía Nam thành lập lực lượng tình báo có tên gọi khác nhau, như: Ban Đặc vụ, Ban Tham khảo, Ban Trinh sát, Vệ thám phòng, Ban Trừ gian... Đến tháng 2.1946, Phòng Tình báo đã đặt được tổ chức tại 25 tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Trung Bộ (Móng Cái, Hòn Gai, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế...).

Giữa năm 1946, sau khi có sắc lệnh của Chính phủ: Đổi tên “Ủy ban kháng chiến toàn quốc hội" thành "Quân sự uỷ viên hội" thì Phòng Tình báo, Bộ Tổng Tham mưu cũng được đổi tên là Phòng Tình báo Quân uỷ Hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Tổng Tham mưu. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I đã quyết định, thống nhất Bộ Quốc phòng với Quân sự Ủy viên Hội thành Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy. Thực hiện chủ trương trên, ngày 30.11.1946, Phòng Tình báo Quân uỷ Hội được chuyển thành Phòng Tình báo-Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.

img

 Lớp học ngoại ngữ của Phòng Tình báo (Số 10, Thi Sách, Hà Nội).

Chiến công đầu tiên

Thắng lợi đáng kể và đầu tiên của ngành tình báo Việt Nam là vào cuối năm 1945, Ban Đặc vụ Trị Thiên Huế cùng với lực lượng vũ trang nhân dân tại chỗ đã phục kích và bắt gọn một tốp nhảy dù ở Hiền Sĩ và một toán đổ bộ của thực dân Pháp vào cửa Thuận An. Qua tài liệu thu được, ta phát hiện ý đồ chiến lược về kế hoạch của Leclerc và D'Argenlieu gồm 5 điểm: Dựa vào sự có mặt của quân Anh để làm chủ phía Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào; thả dù nhân viên dân sự và quân sự xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam; xác nhận việc duy trì chủ quyền của nước Pháp ở Đông Dương, từng bước giành lại những vùng do Trung Quốc kiểm soát theo khả năng quân tăng viện; về phương diện chính trị móc nối với các nhân vật bản xứ để lập chính quyền.

Thêm một thông tin giá trị ở thời điểm này là, Phòng tình báo đã tổ chức phục kích, bắt cóc một số kỹ sư người Pháp, những người nắm được bản thiết kế xây dựng sân bay Cát Bi (Hải Phòng), làm cơ sở để ta tổ chức đánh phá sân bay của giặc Pháp trong kháng chiến sau này. Cạnh đó, lực lượng của Phòng Tình báo cũng đã phối hợp với lực lượng của Nha Công an, theo dõi, phá tan âm mưu của bọn phản động Quốc dân Đảng, định cấu kết với thực dân Pháp, tổ chức đảo chính vào ngày 14.7.1946, nhằm bắt gọn Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa; điều tra và tiêu diệt hang ổ của bọn Quốc dân Đảng ở phố Ôn Như Hầu (Hà Nội).

Trực tiếp trò chuyện cùng Đại tá Hà Mai, nguyên Trưởng phòng Huấn luyện (Học viện Khoa học Quân sự, Tổng cục II), người từng là thầy của nhiều nhà tình báo chiến lược nổi tiếng trong quân đội, chúng tôi được ông kể cho nghe câu chuyện hấp dẫn.

Ông và nhà tình báo chiến lược, Đại tá Nguyễn Minh Vân (tên thật là Nguyễn Đình Quản), người từng bị Chính quyền Sài Gòn bắt, giam cầm tại ngục Chín Hầm ở Huế và nổi tiếng với tập thơ “Sống trong mồ” vốn là bạn rất thân từ trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông Nguyễn Minh Vân từng kể với ông Hà Mai rằng: Từ sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Hoàng Hữu Nam (tên thật là Phan Bôi) được giao các chức vụ quan trọng: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm Chánh văn phòng Phủ Chủ tich và Đặc phái viên Quân ủy Hội, phụ trách Ủy ban Liên kiểm Việt-Pháp. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ở cương vị này, đồng chí Hoàng Hữu Nam là người đại diện cao nhất của quân đội ta trong liên lạc về mặt quân sự với quân đội Pháp. Năm 1946, ông Nguyễn Minh Vân là thư ký riêng của đồng chí Hoàng Hữu Nam. Chính ở vị trí này, ông đã được tiếp xúc với rất nhiều tài liệu do tình báo quân sự cung cấp với Quân ủy Hội, như: Tình hình đóng, chuyển quân, tăng quân vượt mức quy định trong Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 của giặc Pháp tại các địa phương; nắm ý đồ vũ trang và hành động của nhóm Pháp kiều khi xảy ra chiến sự, xung đột vũ trang; ý định tổ chức đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng vào ngày 14.7.1946. Đặc biệt là đã tiếp cận được chỉ thị của Leclerc gửi Morliere với nội dung là chiếm lại miền Bắc.

Sau này, khi tìm hiểu, chúng tôi được Trung tá QNCN Lê Thị Hương, nhân viên Bảo tàng Tổng cục II cung cấp một bài viết nhan đề: “Đồng chí Hoàng Hữu Nam – Một nhà lãnh đạo có vai trò đặc biệt đối với công tác điều tra nắm địch” của Đại tá Nguyễn Minh Vân. Trong bài viết đó, Đại tá Minh Vân khẳng định: Khi làm việc ở cơ quan Liên kiểm Việt – Pháp, ông đã thấy một người Pháp đến gặp đồng chí Hoàng Hữu Nam và trò chuyện rất cởi mở. Sau đấy, ông Nam đã đưa cho ông Vân cất giữ nhiều tài liệu, trong đó có bức thư viết tay bằng tiếng Pháp, gửi cho Camarade Nam (đồng chí Nam), phản ánh một số tình hình quân Pháp ở thời điểm hiện tại để Chính phủ ta lưu tâm, xử lý, đối phó.

Như vậy, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tuy mới thành lập và còn nhiều khó khăn về các mặt, nhất là lực lượng, phương tiện, phương thức thu tin, liên lạc… nhưng Phòng Tình báo đã nhanh chóng thích nghi, từng bước khắc phục khó khăn, thu thập được nhiều tin tức giá trị, giúp cho Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng và Chính phủ ta biết ý đồ, âm mưu, thủ đoạn của địch, góp phần quan trọng vào giữ vững độc lập và bảo vệ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đại Dương (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem