Tiến sỹ Tilo Nadler: 9 con “hổ nhà” và quy tắc “cái chết nhân đạo”
Chuyên gia Bảo tồn của Hội động vật Frankfurt (Đức), Tiến sỹ Tilo Nadler: 9 con “hổ nhà” và quy tắc “cái chết nhân đạo”
Lam Anh – Chiên Hoàng
Thứ sáu, ngày 13/08/2021 19:55 PM (GMT+7)
Loạt bài về "Những trò tàn sát thú rừng" trên Dân Việt đã được vợ chồng Tiến sỹ Tilo Nadler đọc, rồi thẳng thắn trao đổi kĩ, về cả những khái niệm đặc biệt gây tranh cãi như kiểu "cái chết nhân đạo" dành cho những cá thể hổ đáng thương và hầu như không có chút giá trị nào về bảo tồn.
Cá thể hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An bị thu giữ ngày 4/8/2021
Các lý do cần cấm nuôi nhốt hổ vì mục đích thương mại
Là người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương, gần 30 năm hoạt động ở Việt Nam với các thành tựu nổi tiếng thế giới, xin hỏi ông Tilo: cụ thể, việc nuôi hổ trong dân "trái phép" ở những điểm nào?
Ông Tilo Nadler: Đã có quy định về việc nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp ở Việt Nam (Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Có ba khả năng để nuôi nhốt động vật hoang dã: 1/ Để bảo tồn (bao gồm cả nghiên cứu và nhân giống trong nuôi nhốt). 2/ Để cho giáo dục (vườn thú, công viên safari). 3/ Nuôi mục đích thương mại (đây là trang trại).
Việc nuôi các loài có nguy cơ tuyệt chủng vì mục đích thương mại là không được pháp luật Việt Nam cho phép.
Vì sao pháp luật lại cấm điều đó?
Ông Tilo Nadler: Vì chúng có ảnh hưởng lớn đến quần thể hoang dã. Động vật nuôi trong các trang trại là F0 hầu hết được khai thác từ tự nhiên và các trang trại thường xuyên nhập thêm, lấy động vật từ tự nhiên để tăng nguồn cung. (Tài liệu từ khảo sát ở một số lượng lớn các trang trại, nguồn tổ chức Lương thực Thế giới FAO và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam ENV).
Bởi vì, phép tính đơn giản: đi săn hổ hoang dã chỉ cần đi vào rừng và tốn 1 viên đạn (chưa đến 1 UDS); nó đem lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi hổ. Nuôi hổ trái phép cần chuồng trại, phương pháp và thức ăn tốn kém (chưa kể các chi phí "bôi trơn để tồn tại khác).
Việc nuôi nhốt hổ với mục đích lợi nhuận trong các trang trại, đương nhiên họ sẽ bỏ qua tất cả các tiêu chí phúc lợi động vật và thực tế chúng đang bị "cầm tù" trong những "ngục tối" vô cùng tồi tệ (như loạt bài Dân Việt đã chỉ ra). Vì thế, KHÔNG bao giờ có được cam kết thực sự về Phúc lợi cho động vật nếu cơ sở chăn nuôi hổ… là tư nhân.
Mục đích hàng đầu của chăm nuôi động vật hoang dã là giáo dục
Ở Thái Lan, ở Safari, khu sinh thái ở Việt Nam, đều có nuôi hổ phục vụ du lịch, vậy cơ quan chức năng đã quản lý theo nguyên tắc nào để ĐVHD, quý hiếm bị bán buôn vào "thị trường đen"?
Ông Tilo Nadler: Các loài ĐVHD nói chung và loài hổ nói riêng được chăm nuôi trong vườn thú và công viên safari phục vụ cho mục đích giáo dục. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các vườn thú và công viên có giấy phép.
Động vật được nuôi trong các điều kiện cho phép phát triển hành vi bình thường và trong một môi trường mô phỏng môi trường sống tự nhiên. Gần đây, điều kiện nuôi nhốt trong các vườn thú đã thay đổi tốt hơn trên toàn thế giới và có cả ở Việt Nam (như các công viên safari hiện nay).
Việt Nam rất cần nâng cao năng lực chăn nuôi ĐVHD, cần có các chương trình hỗ trợ các hành vi bình thường, lấy lại tập tính tự nhiên của động vật. Những ĐVHD đang được chăn nuôi ở các vườn thú, công viên safari hay các các trung tâm cứu hộ là những cơ sở có giấy phép; dù đang sống hay tử vong cũng cần được kiểm soát chặt chẽ theo một hệ thống dữ liệu quốc gia về lĩnh vực này.
Vừa qua ở Nghệ An, việc xử lý các đối tượng vi phạm, giải cứu 17 cá thể hổ bị nuôi trái phép trong hầm kín, và sau đó 8 cá thể hổ trưởng thành đã chết. Theo ông, ta phải làm gì để trong các đợt đánh án giải cứu trong tương lai không làm động vật chết nữa?
Ông Tilo Nadler: Theo dõi loạt bài của Dân Việt, thấy mô tả và hình ảnh phản ánh việc lôi kéo mấy con hổ trong điều kiện hầm nuôi tối tăm, ẩm thấp, lối đi chật hẹp là không chuyên nghiệp. Đồng thời cán bộ thú y (có thể) cũng chưa có kinh nghiệm cao trong việc xử lý gây mê động vật. Trang thiết bị vận chuyển động vật thiếu thốn và có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa…
Tôi sẽ rất tự hào tham gia cứu hộ động vật trong các chuyên án
Cá nhân tôi thực sự cảm phục và hoan nghênh Ban chuyên án đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn - trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, nhất trong tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng. Trong tất cả các cuộc cứu hộ ĐVHD luôn cần đặt ra trước các tình huống xấu nhất và thực sự không thể chê trách bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào của Ban chuyên án ở tỉnh Nghệ An. Tôi chân thành cảm ơn các chiến sĩ đã dũng cảm thực hiện nhiệm vụ này! Nếu được mời tôi và cộng sự sẽ đồng ý và rất tự hào khi được tham gia cứu hộ động vật trong các chuyên án như vậy.
17 cá thể hổ này không thể thả trở lại tự nhiên được
Theo ông, cách tốt nhất để xử lý 9 cá thể hổ còn sống kia là gì?
Ông Tilo Nadler: Theo "Hướng dẫn của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) về việc xử lý động vật bị tịch thu" và cũng được đề cập trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Có ba khả năng để xử lý động vật hoang dã bị tịch thu:
1/ Thả trở lại tự nhiên - nếu động vật có đủ điều kiện sức khỏe và đúng vùng phân bố của loài. Đối với những cá thể hổ trong vụ việc trên thì KHÔNG thể thực hiện theo hướng dẫn này.
2/ Tiếp nhận chăn nuôi nhốt vì mục đích giáo dục. Theo tôi biết, các cơ sở có thể nuôi đều "đầy" rồi hoặc không đủ tiêu chuẩn diện tích và kinh phí nuôi hết cả đàn hổ kia được.
3/ Khi hai phương án kia không thể, thì lựa chọn thứ ba là tiêm thuốc ngủ liều cao (euthanasia). Trong công tác thú y là cho chúng hưởng cái chết nhân đạo. Sau khi được giải thoát khỏi sự giam cầm trong "ngục tù tối tăm", tồi tàn kinh khủng như đã biết và rồi các khó khăn trong thời gian tới quá nhiều, một lối thoát nên tính đến và cân nhắc là… "giải thoát" cho chúng bằng cái chết nhân đạo.
Theo tôi, trong trường hợp này, ngay từ đầu cần có sự tham vấn của chuyên gia uy tín quốc tế và Việt Nam, nhằm ra được quyết định tối ưu nhất.
Tôi tin rằng, các con vật tội nghiệp đó sẽ nói: "Tôi muốn chết"
Ông nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng: các cá thể hổ sinh ra lớn lên trong buồng tối kia: không có hoặc có rất ít giá trị bảo tồn?
Ông Tilo Nadler: Là một người đã và đang tham gia bảo tồn thiên nhiên, tôi có thể khẳng định là: những cá thể hổ này và nhiều cá thể hổ khác trong các trang trại ở Việt Nam hoàn toàn không có giá trị bảo tồn. Về mặt di truyền nhiều khả năng, chúng không phải hổ Đông Dương bản địa, đây là các cá thể lai từ một số loài phụ.
Ngoài ra, chúng được nuôi giữ trong điều kiện tồi tệ, chúng hoàn toàn không bình thường, hành vi của chúng bị biến dạng về hình thái học. Do vậy, chúng sẽ không bao giờ có đủ điều kiện được đưa trở lại tự nhiên; thậm chí kể cả để phục vụ cho trưng bầy giáo dục trong vườn thú hay công viên cũng rất khó.
Ông có thể nói rõ hơn về "cái chết nhân đạo"?
Ông Tilo Nadler: Trong thú y, việc tiêm thuốc ngủ liều cao (Euthanasia) là một cách nhân đạo để kết thúc sự sống của con vật. Như ở Việt Nam, hàng triệu động vật bị giết - không chỉ động vật nuôi như gia cầm gia súc (gà, vịt, lợn, bò, trâu…) mà cả ĐVHD được nuôi trong trang trại nuôi như nhím, cầy hương, rắn, rùa, cá sấu...
Và nếu có phép mầu để đưa ra câu hỏi và nhận được câu trả lời từ các con hổ hay con gấu đã sống 10 hoặc 20 năm trong cái lồng 2m2 trong bóng tối, bẩn thỉu, sức khỏe ốm yếu và thức ăn thì kinh khủng, bị đối xử tàn nhẫn như vậy - thì liệu chúng có muốn tiếp tục cuộc sống như vậy nữa không? Tôi tin chắc chắn rằng, các con vật tội nghiệp đó sẽ nói: "Tôi muốn chết".
"Năm 1996, Việt Nam trở thành thành viên của "Diễn đàn hổ toàn cầu" (với 13 quốc gia có hổ), đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ ở trong tự nhiên vào năm 2022 thông qua các biện pháp bảo tồn (Thật đáng tiếc, kế hoạch này sẽ khó có thể thành hiện thực ở Việt Nam)", Tiến sỹ Tilo Nadler nói.
Chân thành cảm ơn ông!
Tin cùng chủ đề: Bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Đô Thành, Nghệ An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.