Có bắt buộc thưởng tiền cho người lao động ngày lễ 30/4-1/5 không?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 25/04/2023 13:10 PM (GMT+7)
Theo quy định của Luật lao động, các lao động sẽ được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. Lao động cũng có thể được nhận thêm tiền thưởng của doanh nghiệp, hoặc nếu làm thêm lao động còn được tăng lương gấp 3, gấp 4 so với bình thường.
Bình luận 0

Tiền thưởng dịp 30/4 và 1/5 năm 2023 là bao nhiêu?

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền thưởng cho người lao động dịp 30/4 và 1/5 do người sử dụng lao động quyết định.

Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền không bắt buộc được người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Do vậy, doanh nghiệp có quyền thưởng hoặc không thưởng.

Nếu doanh nghiệp lựa chọn thưởng cho người lao động dịp lễ 30/4 và 1/5 thì họ cũng được chủ động về mức thưởng và hình thức thưởng. Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động có ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 thì doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.

thưởng dịp lễ 30/4 và 1/5

Doanh nghiệp có quyền thưởng dịp lễ 30/4 và 1/5 cho người lao động hoặc không thưởng, nhưng phải tuân thủ quy định trong thỏa ước lao động. Ảnh: NN

Các quy định hiện hành cũng không giới hạn mức thưởng dịp lễ 30/4 và 1/5. Do đó, khoản tiền thưởng dịp 30/4 và 1/5 sẽ không có mức cố định. Tùy vào nguồn tài chính của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động có thể thưởng nhiều tiền hoặc thưởng ít tiền cho người lao động.

Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận cao thì người lao động sẽ được thưởng cao. Ngược lại, nếu tình hình tài chính khó khăn, nguồn tài chính hạn hẹp, doanh nghiệp sẽ chỉ thưởng ở mức thấp.

Thậm chí, thay vì thưởng tiền cho người lao động, doanh nghiệp còn có thể chuyển sang thưởng bằng hiện vật hoặc các hình thức khác nhân dịp lễ 30/4 và 1/5. Đây là việc pháp luật hoàn toàn cho phép.

Thông thường các doanh nghiệp tiền thưởng dịp 30/4 và 1/5 chỉ mang tính tượng trưng. Đa phần từ 500- 1 triệu đồng. Một số doanh nghiệp làm ăn tốt có thể thưởng tới nửa tháng lương.

Tuy nhiên, năm nay do tình hình tài chính khó khăn, có thể số lượng các doanh nghiệp có thưởng dịp lễ 30/4 và mùng 1/5 là không nhiều.  

Tiền lương của lao động đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thế nào?

Về quyền lợi, lao động được nghỉ lễ hưởng nguyên lương, nếu lao động đi làm ngày lễ thì được hưởng 300% lương.

Năm 2023, Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào ngày 29/4 dương lịch, ngay trước các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ngày 29/4 là thứ Bảy (ngày nghỉ cuối tuần) nên người lao động được nghỉ bù vào tuần tiếp theo, tức là ngày 2/5. Trong khi đó, ngày 30/4 trùng với ngày Chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù tiếp ngày 3/5. Do đó, năm 2023, người lao động được nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 trong 5 ngày liên tục, từ 29/4 đến hết 3/5.

nghỉ dịp lễ 30/4 và 1/5

Người lao động đi làm trong ngày Giỗ Tổ, 30/4 và 1/5 sẽ được trả ít nhất bằng 400% lương cơ bản. Ảnh: NN


Trong những ngày nghỉ lễ trên, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương (3 ngày, không tính ngày nghỉ bù vào thứ 7 và chủ nhật). Trường hợp người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết sẽ được trả lương, thưởng theo quy định.

Do nhu cầu công việc, doanh nghiệp có thể chủ động đề nghị người lao động đi làm vào những dịp nghỉ lễ, tết. Trường hợp này sẽ được tính làm thêm giờ, quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ Luật Lao động như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày lễ, tết được trả lương làm việc ban ngày nhận ít nhất 400% lương; làm việc vào ban đêm nhận ít nhất 490% lương.

Trường hợp, doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm trong dịp lễ, tết thì người sử dụng lao động cũng cần đảm bảo các điều kiện tại khoản 2 Điều 107 bao gồm: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, không quá 40 giờ/tháng; bảo đảm tổng số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem