Vinfast thành công trên sàn chứng khoán Mỹ, con đường trở thành hãng xe điện lớn thế giới sẽ thuận lợi

O.L Thứ năm, ngày 17/08/2023 06:24 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, sự kiện Vinfast niêm yết tại Mỹ sẽ giúp công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn. Tại Việt Nam Vinfast đang dần khẳng định được vị thế số 1, với các thị trường quốc tế, công ty còn rất nhiều việc phải làm.
Bình luận 0

VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu vào tối 15/8 (giờ Việt Nam) khi cổ phiếu VFS chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ.

Sự kiện này diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co (Black Spade). Chốt phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS ở ngưỡng khoảng 3 7USD/cổ phiếu, tăng hơn 68%. Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa của VinFast vượt 85 tỷ USD, VinFast tạm thời nằm trong top 5 doanh nghiệp ô tô toàn cầu về vốn hóa, cao hơn Ford ở mức 48 tỷ USD và General Motors ở mức 46 tỷ USD.

Chia sẻ về phiên giao dịch bùng nổ này, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc Vinfast toàn cầu, cho hay có một số lý do lý giải về việc giá cổ phiếu tăng trong phiên đầu tiên: "Thứ nhất, thị trường nhận ra giá trị của VFS. Lần đầu tiên VFS được nói chuyện với thị trường về tiềm năng, về những việc đã làm 6 năm qua. Người trong ngành đều nhận thấy sự cố gắng lớn và kết quả VFS đạt được 6 năm, chưa từng có trong ngành. Lý do lớn hơn là số lượng cổ phiếu lưu hành khoảng 4,5 triệu cổ phiếu, trong khi nhu cầu cao, nên đẩy giá lên. Hôm qua số lượng giao dịch khoảng 6,7 triệu. Hoạt động của thị trường chứng minh VF có giá trị nhất định, thị trường có sự tin tưởng".

Vinfast niêm yết trên sàn Mỹ: Thấy gì sau phiên đầu tiên VFS tăng giá khủng, vốn hóa vượt xa kỳ vọng? - Ảnh 1.

Đêm 15/8, cổ phiếu Vinfast chính thức trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ

Vinfast niêm yết trên sàn Mỹ có thể tạo ra cú hích hút thêm dòng vốn đầu tư mới cho các doanh nghiệp Việt

Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, đây là sự kiện đáng nhớ với Vinfast, bởi để được niêm yết ở một trong hai sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới - Nasdaq Stock Market LLC không hề đơn giản. Các doanh nghiệp phải qua quá trình sàng lọc của cơ quan quản lý của Mỹ, sàng lọc của thị trường mới được đứng tại đây.

Điều này thể hiện sự nỗ lực lớn của một doanh nghiệp Việt có bề dày đóng góp về sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho ngân sách và các hoạt động xã hội.

Theo ông Ngọc, bước đi quan trọng này sẽ giúp Vinfast trong việc tiếp cập thị trường tài chính lớn nhất thế giới là Mỹ. Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tiếp cận thuận lợi hơn với dòng vốn từ các định chế tài chính quốc tế.

"Với Việt Nam đây cũng là một sự kiện đáng nhớ. Bởi lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn của chúng ta chính thức vươn tầm thế giới để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ biết tới, quan tâm hơn tới thị trường chứng khoán Việt Nam và một nền kinh tế nhiều tiềm năng, một Việt Nam ngày càng có vị thế trên trường quốc tế", ông Ngọc nói.

Vinfast niêm yết trên sàn Mỹ: Thấy gì sau phiên đầu tiên VFS tăng giá khủng, vốn hóa vượt xa kỳ vọng? - Ảnh 2.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam. Ảnh Nhịp Cầu đầu tư

Đưa quan điểm cho câu hỏi vì sao Vinfast chọn thị trường Mỹ để niêm yết, ông Ngọc cho rằng vì Mỹ là thị trường xe điện lớn. Khi VFS chinh phục được thị trường này, đáp ứng được các tiêu chuẩn Mỹ thì con đường trở thành hãng xe điện lớn của thế giới sẽ thuận lợi.

"Như tôi đã nói ở trên Mỹ còn là một thị trường tài chính hàng đầu. Đây sẽ là một kênh huy động vốn hiệu quả cho Vinfast tiếp cận với các định chế tài chính lớn", ông Ngọc nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn Việt Nam từng thời điểm cũng chơi những cuộc chơi đủ lớn để cần huy động vốn từ các định chế tài chính quốc tế như Vinfast. Tất nhiên, tùy từng chiến lược riêng, không phải doanh nghiệp nào cũng chọn con đường niêm yết quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc Vinfast được niêm yết tại sàn Nasdaq sẽ giúp công ty có cơ hội huy động vốn từ trái phiếu hay vay tín dụng dễ dàng hơn. Đơn cử như VinFast có thể được vay với lãi suất thấp hơn, thời gian vay dài hơn. Việc phát hành các cổ phiếu bổ sung cũng sẽ thuận lợi hơn. Thương hiệu và vị trí của VinFast cũng sẽ vươn tầm thế giới, được nhiều đối tác chú ý và muốn hợp tác hơn.

Ông Thịnh nói thêm, sự kiện không chỉ mang lại lợi ích cho VinFast mà còn tác động tích cực đến các doanh nghiệp Việt Nam khác. Ví như có thể tạo ra cú hích thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới cho các doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư thế giới sẽ biết đến doanh nghiệp Việt Nam, có cái nhìn khác về doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi quốc tế, từ đó sẽ để ý hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm hợp tác đầu tư. Hay khi doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm và có thể nới lỏng các điều kiện hơn.

Vốn hoá có lớn đến đâu, vẫn là con số danh nghĩa trên bảng điện tử...

Cổ phiếu VFS chào sàn ở mức giá 22 USD/cp, nhưng sau đó biến động cực mạnh. Chốt phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ, cổ phiếu VFS tăng vọt 68,4% so với giá chào sàn, lên 37,06 USD/cp. Khối lượng khớp lệnh trong phiên đầu tiên đạt mức gần 6,8 triệu cổ phiếu.

Vốn hóa của VFS theo đó tăng lên 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD và gấp hơn 3 lần định giá lại sau khi sáp nhập thành công với Black Spade. Với mức vốn hóa này, VinFast lọt vào top 5 những hãng sản xuất xe có vốn hóa lớn nhất trên thế giới.

Bàn luận về những con số này, ông Ngọc cho rằng, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động giao dịch thứ cấp của các nhà đầu tư hàng ngày. Việc tăng, giảm giá cổ phiếu phụ thuộc vào tương quan cung cầu. Trong nhiều thời điểm, giá trị cổ phiếu hay vốn hoá có thể giảm dưới giá trị thực hoặc cũng có thể cao hơn nhiều giá trị thực theo định giá của cổ phiếu và doanh nghiệp đó.

Chính vì vậy mà việc Vinfast có mức định giá cao khi chào sàn cũng là thực tế đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ. Điều này phản ánh tương quan cung cầu đang nghiêng về bên mua trong điều kiện tỷ lệ Free Float của cổ phiếu Vinfast không cao. Do đó áp lực cung không lớn, trong khi kỳ vọng của nhà đầu tư mới cao.

"Mặc dù vậy, phải thực tế ở chỗ vốn hoá có lớn đến đâu cũng vẫn là con số danh nghĩa trên bảng điện tử. Giá trị doanh nghiệp thực để đánh giá vẫn phải là những số liệu quan trọng khác như năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, thị phần chiếm lĩnh, doanh thu - lợi nhuận hàng năm, hiệu suất sinh lời cho cổ đông, giá trị đóng góp về thuế, trách nhiệm xã hội với cộng đồng...", ông Ngọc bình luận.

Theo đó, ông Ngọc cho rằng, Vinfast niêm yết tại Mỹ mới là bước đầu để công ty tiếp cận thêm các nguồn lực lớn theo chiến lược đã đề ra và dần khẳng định được vị thế thông qua các chỉ tiêu đánh giá giá trị thực chất của doanh nghiệp. Tại Việt Nam Vinfast đang dần khẳng định được vị thế số 1, với các thị trường quốc tế, công ty còn rất nhiều việc phải làm.

Ngoài ra, ông Ngọc cũng nhận định thêm, sự kiện VFS niêm yết tại Mỹ không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chứng khoán trong nước. Nếu có, chỉ là chứng khoán Việt sẽ được nhà đầu tư Mỹ biết đến nhiều hơn. Về sức hấp dẫn của thị trường, không chỉ dừng ở một thương vụ mà là do tổng thể nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam vẫn đang là điểm sáng, có tốc độ tăng trưởng cao, triển vọng tốt. Ngoài ra, lực lượng lao động hùng hậu và tầng lớn trung lưu mới cũng sẽ là điểm cộng của thị trường chứng khoán trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem