Nhiều bạn đọc vẫn nhớ như in nhân vật “thằng Hiển ngọng” - con trai chị Út Tịch trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi, với câu hát cửa miệng: “Ang em ta như ạn con ùi; nó có dúng mình có dao găm; nó éo cò thì mình ảy ô đâm”. Tác phẩm này nhà văn không hề hư cấu, mà đưa nguyên xi những gì thực nhất vào truyện.
"Hiển ngọng" nổi tiếng ngày nào giờ đã là người đàn ông trung niên 56 tuổi, đang sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh, kề khu lưu niệm của "mẹ mình".
Để ghi công người anh hùng, chính quyền đã xây dựng khu tưởng niệm Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út với tổng kinh phí xây dựng trên 35 tỷ 780 triệu đồng. Công trình do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư.
Nhưng số phận trớ trêu thay, nghèo nàn và cuộc sống hết sức bi đát do anh làm ăn cái gì cũng thua lỗ. Một chân của anh bị gãy khi là trung uý công an (năm 2000) đến giờ chưa thay đinh inox. Do đinh xuống cấp nên chân anh bị biến dạng, rút ngắn khoảng 6cm so với chân lành. "Tui có thẻ bảo hiểm nhưng muốn điều trị cũng phải vài chục triệu đồng. Khi nào mà nó lệch quá thì cưa chân luôn, tui chống nạng được", anh Hiển nói.
Trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng", nhiều bạn đọc rất muốn một cái kết có hậu cho các con của chị Út Tịch; nhất là đối với nhân vật đặc biệt dễ thương “Hiển ngọng”. Hiển được ra miền Bắc đi học từ năm lên 10 tuổi (1970). “Hồi đó còn thiếu thốn, nhiều học sinh rất ngán việc ăn độn bo bo, khoai lang trong khẩu phần ở trường. Thế nhưng đối với đứa trẻ hiếm khi có được bữa no như tui thì đó là những bữa ăn ngon nhất. Học xong sơ cấp rồi trung cấp chính trị, chị em tui lại được đưa đi nước ngoài học tiếp cho đến ngày giải phóng thì về”, anh Hiển kể.
Theo lời anh Hiển, hồi còn ở Cầu Kè, anh không được học hành gì nên mãi 10 tuổi, ra Bắc mới được học lớp 1. Chiến tranh ác liệt, di chuyển liên miên, có khi 1 tháng học chỉ được 2 buổi, có khi 1 năm phải học 3 - 4 lớp nên kiến thức của Hiển cứ vụn vặt, chắp vá. Anh rời miền Bắc đi “du học” khi có trình độ lớp 6. "Du học" ở nhiều nước Đông Âu, từ Liên Xô trở về với kiến thức lõm bõm, anh tiếp tục học ở Cần Thơ đến hết lớp 8, rồi về Tiền Giang học tới lớp 10… Sau đó, anh làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau trước khi về làm công an.
Năm 2000, khi đang là Phó Công an thị trấn Cầu Kè, Hiển bị tai nạn giao thông suýt chết. Lần đó, anh và nhóm bạn tổng cộng 9 người sau khi "cưa" hết lít rượu đế chưa đủ đô nên kéo nhau đi uống bia. Trên đường đi gặp trời dông, anh phóng khá nhanh lấn sang phần đường bên kia và tông phải một người đi ngược chiều.
"Tui thì lấn tuyến, còn anh kia thì xỉn mà xe không có đèn nên cuối cùng không ai đền ai, thân ai nấy lo, xe ai nấy sửa”, anh Hiển nói.
Sau hơn 2 tháng xuất viện trở về nhà, chán quá không biết làm gì, anh Hiển chuyển sang... nhậu để giết thời gian. Rượu cứ kéo chìm anh xuống, có ngày anh uống vô bao tử cỡ... lít rưỡi nên sức khỏe yếu dần. “Tui nhậu tới mức các anh lãnh đạo địa phương sợ tui chết, phải xuống nhà... vận động cho tui bớt nhậu”, anh Hiển cười nhớ lại.
Anh Hiển cùng con trai và phim chụp mấy cây đinh chờ thay.
Vợ sinh con, anh Hiển sắm cái ghe làm "bầu" lô tô đi khắp các tỉnh kiếm cơm. Làm ăn không khá, anh lên bờ mở nhà trọ. Quê nghèo, nam nữ yêu nhau toàn ra bờ chuối "tâm sự" nên nhà trọ ế ẩm. Buồn tình, anh mở quán nhậu bình dân. Nông thôn "chuyển mình", nông dân đi nhậu cứ đòi gác tay gác chân, anh Hiển lại liều mạng cho một nhóm chị em "hết đát" vào quán phục vụ khách. Được một thời gian ngắn, nghĩ tới nghĩ lui sợ hương hồn cha mẹ buồn nên anh dẹp gái, chuyển qua bán nhậu bình thường. Kết quả là quán nhậu của anh dẹp tiệm vì ế.
Tiếc mặt bằng, vợ chồng anh lại mở quán bún cá, đặc sản của người Khmer. "Người Khmer cũng hiếm khi ra quán ăn món Khmer, quán tui lại dẹp tiệm. Tui cũng thử nuôi heo nuôi gà nhưng vốn ít nên mỗi lần thua lỗ là không gượng lại được. Năm ngoái chân đau chịu hết nổi, tui cắt đất ra bán lấy tiền đi phẫu thuật. Nhưng bán xong thì chủ nợ xếp hàng nên tui giữ chữ tín, trả không còn đồng nào. Còn cái nhà, vợ tui kêu bán để trị chân rồi xin vào khu lưu niệm của má tui, vừa tá túc vừa xin làm chân bảo vệ. Nhưng tui không đồng ý, tui thà cưa chân chứ không làm vậy má buồn, mà mình mang tiếng ăn bám nhà nước.", anh Hiển nói.
Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út - sinh ngày 19.4.1931, tại xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Năm 1950, chị lập gia đình với anh du kích Lâm Văn Tịch - người Khmer. Chị Út Tịch trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng miền Nam. Chị tham gia 23 trận đánh lớn nhỏ, góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 tên giặc, thu 70 súng...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.