Mở nút thắt thị trường lao động ở thủ phủ công nghiệp - Bài 4: Công nhân xoay xở, chắt chiu cố giữ việc
Nha Mẫn - Mỹ Quỳnh
Thứ bảy, ngày 25/03/2023 10:15 AM (GMT+7)
Đã nhiều tháng qua, kể từ khi đơn hàng tại công ty giảm sút, để bám trụ thành phố, giữ việc làm, nhiều công nhân sau giờ tan ca, mồ hôi chưa ráo đã quay sang chạy xe ôm công nghệ, buôn bán nhỏ, giao hàng, nhận hàng về gia công mong bù thu nhập.
Khoảng 8 giờ tối, sau khi đã đưa con gái thứ 2 đi học thêm và lo cho con út ăn uống, chị N.H (42 tuổi, quê Hải Dương) bắt tay vào công việc làm thêm của mình. Bàn tay chị thoăn thoắt cho bóng bay vào từng bao nhỏ, sau đó dán lại, rồi gắn vào tấm bìa lớn.
Chị cho biết, thành phẩm sẽ là 30 bịch bóng bay nhỏ gắn trên tấm bìa, mỗi bịch có 5 cái bóng bay. Để hoàn thành một sản phẩm này, chị mất khoảng 10 phút. Số tiền chị nhận được cho mỗi sản phẩm là 1.000 đồng. Cứ rảnh tay là chị H. lại ngồi làm, mỗi ngày được khoảng 35 - 40 sản phẩm, tương đương với 35.000 – 40.000 đồng.
"Làm công ty PouYuen suốt 20 năm qua, chưa bao giờ thấy khó khăn như bây giờ. Đợt vừa rồi vì không có đơn hàng, công ty cho nghỉ 10 ngày, nhưng được trả lương 180.000 đồng/ngày. Mấy nay mọi người truyền tai nhau lại sắp có đợt nghỉ tiếp, nhưng chỉ còn được nhận 90.000 đồng/ngày", chị H. lo lắng nói.
Hai vợ chồng đều là công nhân, thu nhập tổng cộng chừng mười mấy triệu đồng mỗi tháng, lại có ba con nhỏ đang học lớp 7, 3 và mẫu giáo, chị H. cho biết phải chật vật lắm mới sống được ở TP.HCM.
"Cứ đà công việc bấp bênh ngày làm ngày nghỉ, lại chưa biết mất việc lúc nào… thì tôi cũng phải tính phương án xấu nhất. Khả năng chúng tôi sẽ về quê, nhưng làm gì tiếp theo thì chưa biết", chị H. buồn bã nói thêm.
Tương tự, anh T.V.B (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, anh đang làm công nhân tại một công ty trên địa bàn quận này. Cũng như nhiều công ty khác, doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng nên đang làm việc cầm chừng, không được tăng ca như trước. Trong khi đó với công nhân, tăng ca mới có thêm tiền để đỡ nhọc nhằn trong cuộc sống, còn mức lương cơ bản chỉ vừa đủ trang trải, thậm chí là thiếu nếu gia đình có con đang đi học.
"Nghỉ việc thì sợ khó xin việc mới, vì bây giờ các doanh nghiệp tuyển dụng ít, hoặc có tuyển thì mức lương cũng không cao hơn là bao nhiêu. Thôi thì cứ bám công ty làm việc, rồi tự thân vận động kiếm thêm việc ngoài giờ để xoay xở trong thời điểm hiện tại. Hy vọng khó khăn sớm qua đi, để công nhân ổn định thu nhập, bớt cơ cực", anh B. nói.
Và cách xoay xở của anh B. là chạy xe công nghệ từ 6 giờ chiều sau khi tan ca đến 11 giờ đêm. Hôm nào đắt khách cũng kiếm thêm được 200.000 – 300.000 đồng, hôm nào "ế" thì được vài chục đến hơn một trăm ngàn đủ tiền chợ cho vợ. Với anh B., dù phải làm việc gần gấp đôi thời lượng so với trước, nhưng anh vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi nếu không làm, không có thêm thu nhập thì không đảm bảo được cuộc sống, việc học hành của con cái cũng lỡ dở.
"Nhờ mẹ gửi mớ khô dưới quê lên, trồng thêm đám rau trước nhà trọ"
Ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, hiện đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không còn áp dụng hình thức tăng ca như trước. Đa phần công nhân chỉ làm đủ 48 giờ/tuần, và thường tan làm trước 16 giờ hoặc 16 giờ 30 phút. Có những doanh nghiệp áp dụng cho công nhân nghỉ 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật. Điều này rất hiếm trong những năm trước.
Giờ làm giảm kéo theo thu nhập giảm, hầu hết các gia đình công nhân hết sức chật vật để chi tiêu dè xẻn số tiền lương ít ỏi. Người có tiền tiết kiệm thì đành dùng nguồn này để trang trải thêm, bởi thu không đủ bù chi.
Chị Nguyễn Thị Minh, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết chị phải gửi con cho cha mẹ ở miền Tây lên Đồng Nai đi làm. Trước đây, thu nhập của chị Minh nếu tính cả tăng ca sẽ khoảng từ 9 – 11 triệu đồng. Với mức thu nhập này, sau khi trừ tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt, gửi về quê cho cha mẹ và con gái thì vẫn dư 2 – 3 triệu đồng tiết kiệm phòng thân.
Tuy nhiên giờ không được tăng ca nên thu nhập giảm phân nửa, có những tháng chỉ 3 – 4 triệu đồng, chị luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.
"Giờ tôi phải nhờ mẹ gửi mớ khô dưới quê lên, trồng thêm đám rau trước nhà trọ bằng thùng xốp để cải thiện bữa ăn. Cũng chỉ biết chờ mọi thứ ổn định lại để bớt khổ thôi", chị Minh chia sẻ.
Tương tự, anh Hoàng Văn Hưng, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cũng cho biết anh làm công ty tại KCN Amata (TP.Biên Hòa) và đã 5 tháng rất khốn khổ vì giảm thu nhập. Anh Hưng nói mỗi tháng, anh phải nghỉ làm 8 ngày, vì công ty ít đơn hàng.
"Lương cứng của công nhân chỉ đủ để sinh hoạt và trả tiền trọ, còn phần tiền lương tăng ca mới có thể gửi cho gia đình, tích góp lo việc lớn hơn. Nhưng giờ công ty giảm cả ngày làm thì làm sao tăng ca. Tôi chi tiêu không đủ, nhiều tháng phải vay mượn khắp nơi để bù vào các khoản thiếu", anh Hưng nói.
Còn chị Nguyễn Thị Mén, công nhân công ty gỗ ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, cho biết: "Hiện chồng đã nghỉ công ty cũ đang chờ xin việc mới, tôi làm công việc cũng làm 'bữa đực bữa cái', không đâu vào đâu nên thu nhập giảm mạnh. Cả nhà chỉ lo phải khăn gói về quê như đợt dịch".
Không chỉ chị Mén, chị Minh, anh Hưng mà còn rất nhiều người lao động khác ở Đồng Nai đang ngày đêm mất ăn, mất ngủ vì thu nhập sụt giảm.
Tất cả đều có chung một mong muốn sớm có việc làm ổn định, lương thưởng đủ trang trải cuộc sống và lo cho gia đình.
Nhiều người cũng cố gắng thay đổi công việc phù hợp, tuy nhiên lượng lao động cần việc hiện nay lại nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Những con số ở nơi giải quyết trợ cấp thất nghiệp
Thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM ngày 22/3 cho biết trong 2 tháng đầu năm 2023, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TP là 17.153 người. Còn cả năm 2022, tổng số lao động hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp là 146.285 người.
Sở cho rằng các dữ liệu cho thấy tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng chưa đến mức bi quan.
Cơ quan này đã khảo sát và dự báo trong quý 2, khoảng 7% doanh nghiệp sẽ giảm lao động do thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng lao động hết hạn.
Tại Bình Dương, trả lời PV Dân Việt, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, cho biết thống kê mới nhất của Sở đến hết tháng 2, tỉnh có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Trong quý I này, hơn 12.100 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Khảo sát ban đầu của sở, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đầu năm nay là khoảng 15.000 lao động. Nhưng thực tế, quý 1 chỉ có 745 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, với hơn 12.800 lao động. Trong khi mọi năm, thời điểm này Bình Dương cần tuyển dụng từ 30.000-50.000 lao động.
Thông tin từ UBND tỉnh này ngày 24/3 cho biết thêm dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II tới chỉ khoảng 8.000 -10.000 lao động.
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, qua khảo sát gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn, có đến trên 200 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm doanh thu và buộc phải thu hẹp sản xuất. Ngoài ra còn hơn 100 doanh nghiệp bị thiếu vốn, 100 doanh nghiệp khác thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, trên 100 doanh nghiệp khó xuất khẩu hàng.
Vì doanh nghiệp gặp khó nên thời gian qua, có khoảng 40.000 lượt lao động tại gần 3.000 doanh nghiệp phải nghỉ việc. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp phải bố trí ngày nghỉ hằng năm cho hơn 150.000 lao động, giảm giờ làm khoảng 48.000 lao động, trả lương ngừng việc cho khoảng 9.000 lao động, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với khoảng 5.000 lao động.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 4.300 hồ sơ của người lao động nộp hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong năm 2022, trung tâm đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 63.000 lao động, tăng hơn 49% so với năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho biết hiện các doanh nghiệp lớn cũng thông báo đơn hàng đang gặp khó khăn, dự kiến cắt giảm thêm lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.