Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng “cao to” hơn: Cải tạo có đúng thiết kế được duyệt?

Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 25/12/2020 11:35 AM (GMT+7)
Việc cải tạo công trình Panorama trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng đang gây thắc mắc lớn trong dư luận. Cơ quan chức năng huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức việc cải tạo có đúng thiết kế hay không?
Bình luận 0

Hình ảnh công trình Panorama trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng cao to, đồ sộ hơn sau cải tạo. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, việc cải tạo công trình có đúng theo thiết kế đã được phê duyệt?

PV Dân Việt đã liên hệ với đại diện các cơ quan chức năng ở huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang để tìm câu trả lời.

Trao đổi với PV báo NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang - cho biết: "Cái đó không phải đâu, vẫn nguyên si mà, họ làm theo đúng thiết kế, có gì anh em trao đổi thêm với UBND huyện".

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Vấn đề này mình không phải người phát ngôn, nhà báo trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện". 

Tuy nhiên, nhiều lần PV liên hệ với ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nhưng không nhận được phản hồi.

Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng “cao to” hơn: Cải tạo có đúng thiết kế được duyệt? - Ảnh 1.

Công trình Panorama trước khi cải tạo

Là người đã dành hàng chục năm nghiên cứu, lập hồ sơ đánh giá, xây dựng và tôn tạo khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu phát triển du lịch quốc tế với danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu, PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất "không bằng lòng với việc tôn tạo Panorama như vậy".

Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng “cao to” hơn: Cải tạo có đúng thiết kế được duyệt? - Ảnh 2.

PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất

 "Dư luận như vậy là rất đúng. Đáng nói nhất là công trình lại nằm ở những vị trí "đắc địa" tức là ở những chỗ có tầm nhìn, tầm quan sát đẹp nhất, tốt nhất. Như vậy vô hình chung đã cướp đi những điểm di sản rất giá trị, trong chuyên môn gọi là các điểm quan sát cảnh quan, làm mất đi giá trị di sản chung của cả khu vực" - PGS.TSKH Vũ Cao Minh nhấn mạnh.

PGS.TSKH Vũ Cao Minh khẳng định: "Đối với các công trình xây dựng ảnh hưởng đến giá trị di sản thì phải kiên quyết dỡ bỏ. Nếu không sẽ có các công trình khác tiếp tục mọc lên".

Ngày 24/12, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Công văn số 893/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang về việc cung cấp thông tin cải tạo, sử dụng công trình Panorama Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang.

Cụ thể, Cục nhận được thông tin báo chí phản ánh về công trình Panorama Mã Pì Lèng đang thực hiện cải tạo và đề nghị  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cải tạo công trình này. 

Trong đó, lưu ý việc cải tạo công trình cần thực hiện nghiêm túc theo đúng ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2019 gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và phương án đã có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Trước đó, tháng 9/2020, Báo NTNN/Dân Việt là tờ báo đầu tiên đã lên tiếng phản ánh về tòa nhà Panorama xây dựng trái phép trên hẻm đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Loạt bài phản ánh của báo Dân Việt đã được dư luận đồng tình cũng các chuyên gia lên tiếng, các cơ quan quản lý vào cuộc.

UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra tại đỉnh đèo Mã Pí Lèng, đồng thời đưa ra phương án giải quyết tháo dỡ một phần tầng nổi sát mặt đất, 7 tầng giật cấp của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh. Bộ VHTTDL cũng đã có ý kiến về sự việc này và thống nhất với đề xuất tháo dỡ của UBND tỉnh Hà Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem