Cửa hàng "sống xanh" thiết thực của những người khuyết tật

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 17/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Đổi rác thải nhựa lấy nông sản, tái chế rác thành những vật dụng tiêu dùng thân thiện với môi trường và bán lại chính là cách vận hành ở Limart – zero waste, một dự án bảo vệ môi trường và tạo thu nhập cho người khuyết tật tại TP.HCM.
Bình luận 0

Ấm lòng tình người khuyết tật.

Limart – zero waste nằm khiêm tốn trong một góc sân rộng của một biệt thự, khuất trong một con hẻm lớn trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM. Nơi đây vừa trưng bày sản phẩm của những người khuyết tật, vừa là nơi trao đổi "rác thải nhựa" lấy nông sản sạch. Chỗ rác thải này lại được chính những đôi tay khuyết tật sáng tạo thành nhiều sản phẩm tiêu dùng hết sức tinh tế, độc đáo và hữu dụng.

Thư - vốn là vận động viên cờ vua khiếm thị, chịu trách nhiệm điều hành Limart - giới thiệu về sản phẩm của cửa hàng.

9h sáng, nghe tiếng khách gọi, Thư chậm rãi tiến ra mở cổng với đôi mắt chỉ còn 5/10 thị lực. Khách đem tới một bịch lớn các loại túi nylon đã được giặt sạch và phân loại cẩn thận. Thư đem ra 1kg khoai lang đổi lại cho khách. Khách là một cô gái trẻ, bị mê hoặc bởi những sản phẩm tái chế khác, đã dừng lại khá lâu, sau đó chọn mua thêm xà bông, nước rửa chén, ruột bút bi tái chế... rồi mới ra về.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 2.

Thư đang kiểm tra, phân loại túi nilon mà khách đem tới Limart để đổi lấy nông sản.

"Mỗi lần nghe tiếng khách gọi hay shipper tới lấy hàng là tụi em mừng lắm luôn. Vừa được giao tiếp, vừa bán được hàng, vừa có cơ hội giới thiệu sản phẩm của cửa hàng tới nhiều người hơn", Thư, cô gái khiếm thị hiện đang phụ trách điều hành cửa hàng, chia sẻ.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 3.

MC Liêu Hà Trinh (áo tím) ghé ủng hộ Limart.

Thư vốn là một vận động viên cờ vua khiếm thị, từng đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế, giành nhiều huy chương vàng khu vực Đông Nam Á. Tốt nghiệp khoa Tâm lý học, Đại học sư phạm TP.HCM, Thư nhận nhiệm vụ điều hành cửa hàng Limart đầu tiên, cùng với Linh, một cô gái khiếm thị khác, cũng vừa tốt nghiệp đại học.

Mỗi ngày, nhiệm vụ của hai cô gái là kiểm hàng, xếp hàng, đón khách, chăm sóc khách hàng cũ cũng như tìm kiếm khách hàng mới. Áp lực lớn nhất vẫn là doanh số, vì cửa hàng nằm nơi khuất, không có kinh phí quảng cáo, không có mặt bằng... nên Thư và Linh vận dụng mọi cách để duy trì cửa hàng, sao cho ở mức "không lời thì cũng phải đủ vốn" để có kinh phí xoay vòng cho sản xuất.

"Cửa hàng ra đời cách đây hai năm, nhưng do dịch bệnh nên phải ngưng hoạt động. Do đó, chính thức có doanh thu và được mọi người biết tới thì mới chỉ hơn 6 tháng nay. Em cũng mong, bên cạnh việc đổi nylon lấy nông sản để giảm thiểu rác thải, sẽ có nhiều hơn nữa khách hàng tới đây để cửa hàng có lợi nhuận, thu nhập của những bạn khuyết tật ở nhà máy sản xuất sẽ được tăng lên", Linh cho hay.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 5.

Rác thải nhựa khách mang tới, đang được phân loại trước khi tái chế.

Cửa hàng xanh không rác thải được khởi nghiệp bởi cô gái tên Nguyễn Thị Kim Hằng, một cựu tiếp viên hàng không. Cha Hằng cũng là người khiếm thị. Sự tận tâm, yêu thương chăm sóc của cha là động lực khiến Hằng muốn khởi nghiệp với cửa hàng sống xanh, để có thể tiếp tục trao đi cơ hội cho những người khiếm thị như cha mình. 

Kim Hằng luôn tin tưởng bất cứ điều gì một người khỏe mạnh bình thường làm được, thì người khiếm thị cũng có thể làm, miễn là trao cho họ cơ hội, một môi trường bình đẳng và tôn trọng.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 6.

Nông sản luôn sẵn sàng tại Limart để đổi lấy rác thải nhựa do bà con mang tới.

Trong tương lai, những người trẻ mong muốn mỗi quận, huyện ở TP.HCM sẽ có một Limart, để bà con có thể ghé đổi túi nilon lấy nông sản, hoặc cùng mua những vật phẩm thân thiện môi trường, trao thêm nhiều cơ hội được phát triển bình đẳng cho những người yếu thế trong xã hội.

Đa dạng sản phẩm thân thiện môi trường tại Limart – zero waste, cửa hàng của những người khuyết tật

Tại Limart 355T, Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM, những chiếc can nhựa do bà con đem tới đổi, được Linh và Thư khéo léo làm sạch, rồi cắt, xếp lớp, tạo thành những chiếc kệ đựng đồ vừa chắc chắn, vừa có thẩm mỹ. Ngoài việc làm kệ, can nhựa còn được biến thành những giỏ mua hàng, cho khách lựa đồ bỏ vảo để tiện tính tiền.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 7.

Những chiếc can nhựa được các bạn khuyết tật biến thành giỏ đi chợ và kệ đựng đồ.

"Còn túi nylon do khách mang tới, được các bạn khuyết tật khác, tỉ mỉ dùng tay cắt, rồi bện thành sợi, kết hợp với những drap cũ do khách sạn thải ra, tụi em làm thành những chiếc túi đựng laptop hay túi du lịch vô cùng xinh xắn", Thư cho hay. Giá thành mỗi sản phẩm tái chế này chỉ có giá vài trăm ngàn.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 8.

Túi xách được làm thủ công từ sợi nilon bện từ những túi nylon khách mang tới đổi

Ngoài ra, những sản phẩm chính ở Limart còn có sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt, nước rửa tay, xà bông... được lên men từ công nghệ vi sinh thực vật, có nguồn nguyên liệu chính là đậu nành, trái bồ hòn, lá dứa hay hương bưởi.

Cửa hàng "sống xanh" của những người khuyết tật - Ảnh 9.

Xà bông được tái chế từ bã cà phê tại Limart.

Đặc biệt, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay sắc đẹp không chỉ có dạng lỏng, mà còn được làm thành dạng viên nén, tiện dùng cho những chuyến công tác hay du lịch. Túi giấy còn sử dụng được do khách mang tới đổi, cũng được dùng lại để đựng đồ cho khách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem