Cửa khẩu cho tương lai

Thứ ba, ngày 29/03/2011 21:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đi dọc một đoạn biên giới nước bạn Lào, chúng tôi chứng kiến đời sống của bà con nơi đây cực kỳ khó khăn. Mỗi thôn như một ốc đảo.
Bình luận 0

Cặp cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm được xem như chìa khóa mở ra tương lai cho hai huyện biên giới Tây Giang, Kà Lừm.

Ấm áp nghĩa tình

Người dân bản Ka Lô kể, 10 năm trước, dân bản ở tít trong rừng già, sống du canh du cư, chủ yếu dựa vào hái lượm, mỗi lần muốn đến huyện phải mất hơn chục ngày. Có người chưa từng nhìn thấy chiếc ô tô, nên khi nhìn thấy cứ tưởng quái vật, bỏ chạy.

img
Nụ cười trẻ em nước bạn Lào.

Mấy năm gần đây chuyển ra gần đường mòn sống, được Bộ đội Biên phòng Việt Nam giúp đỡ, bày cho cách làm vườn, trồng cây, dạy trẻ em học. Bệnh tật cũng vậy, may nhờ có y bác sĩ Việt Nam ở A Lưới và Tây Giang tình nguyện cứu chữa, bằng không dịch bệnh hoành hành quanh năm suốt tháng.

Ngày chúng tôi qua, đi đến đâu cũng thấy hình ảnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đang giúp người dân nước bạn Lào làm rẫy, hay dạy chữ cho bà con. Ở bản Ka Lô, Arooc, người dân ai cũng nói tiếng Việt như gió, có thể trả lời vanh vách những câu hỏi của chúng tôi.

Bác sĩ Bloong Nhớ - Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, cho biết: "Bà con Lào bị bệnh nặng, nếu đưa về trung tâm của huyện Kà Lừm (Lào) phải đi cả 10 ngày, còn qua A San (Tây Giang) chỉ mất 1-2 ngày đường, nên ai cũng tìm đến A San".

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang, tâm sự: Bệnh nhân Lào đến điều trị bệnh ở Tây Giang nhiều lắm, có năm lên cả trăm người. Với tình cảm 2 nước, lãnh đạo Tây Giang từ xưa tới nay đã quyết định miễn phí hoàn toàn, từ thuốc men tới quần áo cho bệnh nhân Lào. Khỏi bệnh, ai về bộ qua biên giới thì phát quần áo, tặng quà, còn ở xa được hỗ trợ kinh phí, có xe ô tô đưa về Đà Nẵng rồi qua đường cửa khẩu Bờ Y trở về.

Đã xác định vị trí

Rời Kà Lừm, chúng tôi về lại Axan - xã núi cao heo hút nhất Tây Giang. Những cánh đồng lúa nước mơ màng trong nắng sớm. Trung tâm xã rộn ràng với những công trình trường học, trạm y tế. Nhìn hình ảnh này không khỏi chạnh lòng khi nhớ về những bản Lào vừa đi qua.

Ông Bhríu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, nói: Việc cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm mở ra có nhiều ý nghĩa đối với 2 huyện. Chính vì thế mà từ Trung ương đến địa phương 2 nước liên tục có nhiều chuyến khảo sát tìm địa điểm.

Tại cuộc họp lần thứ 20 giữa đoàn đại biểu biên giới 2 nước tại Luông Pha Băng (Lào), cuối tháng 12.2010, hai bên đã đồng ý tiến hành mở cặp cửa khẩu tại vị trí điểm cắt qua đường biên giới thuộc xã Ch'ơm (huyện Tây Giang) và khu Tà Vàng (huyện Kà Lừm).

Tiếp đó, ngày 21.1.2011, Bộ Ngoại giao có công văn giao các địa phương có liên quan triển khai nhanh chóng việc mở cặp cửa khẩu này, đồng thời chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo theo đúng với hiệp định về quy chế biên giới 2 nước.

img
Cửa khẩu mở ra, giao thông và giao thương giữa 2 huyện Tây Giang và Kà Lừm sẽ tốt hơn hiện tại.

Theo ông Blinh Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, với vị thế đặt tại nơi có địa hình đẹp, cặp cửa khẩu sẽ rất lý tưởng. Cùng với bốn bề đại ngàn xanh ngút rừng nguyên sinh, cửa khẩu hình thành không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đưa đời sống người dân 2 bên đi lên, mà còn có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.

Mở cửa khẩu và giữ rừng

Cũng theo ông Mia, dọc con đường nối từ trung tâm huyện lên Ch'ơm, khu tiếp giáp Lào, tổng cộng có 6 bản làng Cơ Tu với 2.000 hộ dân và trên 10.000 nhân khẩu. Khi cặp cửa khẩu hình thành, nó không chỉ tạo ra công ăn việc làm, làm thay đổi cuộc sống khốn khó bấy lâu nay, mà còn giúp cho sự hội nhập quốc tế ngày một tiến triển. Chính quyền địa phương kỳ vọng, người dân cũng ngóng mong cặp cửa khẩu sớm thành hình.

Việc mở cửa khẩu sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát triển vốn rừng, đó là điều mà lãnh đạo Tây Giang đảm bảo sau chuyến hành trình đi dọc đường biên.

Tuy nhiên, không phải không có những nỗi lo đằng sau. Tây Giang từ trước tới nay là địa phương giỏi nhất cả nước về việc giữ rừng, vậy nên khi mở cửa khẩu, có sự hội nhập, liệu 65.000ha rừng có bị ảnh hưởng? Ông Blinh Mia chia sẻ: Đúng là thời gian qua khi tham mưu, khảo sát về chuyện mở cặp cửa khẩu này, chúng tôi cũng lo lắng về các phương án giữ rừng. Nói không xảy ra thì cũng không dám khẳng định 100%. Có điều, tôi tin sẽ cùng các ngành chức năng địa phương và người dân không để xảy ra những sự cố phá rừng đáng tiếc.

Theo ông Mia, nhiều năm qua, 70 thôn của huyện đã thành lập 70 tổ quản lý bảo vệ rừng. Nhiệm vụ này giao cho 5 chức danh của mỗi thôn, có thể già làng trưởng bản làm trưởng ban, có thể là bí thư, trưởng thôn. Mỗi năm, tỉnh cấp 380-400 triệu đồng kinh phí cho 70 tổ quản lý này để triển khai thực hiện đề án giữ rừng. Bất kỳ ai muốn phát rẫy, khai hoang đều phải làm đơn báo cho tổ quản lý bảo vệ rừng, đồng ý mới được phát rẫy, khai hoang. Người dân Tây Giang bấy lâu đã hình thành được ý thức "sống với rừng phải bảo vệ rừng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem