Chùa Linh Phước nằm trên quốc lộ 20 gần Trại Mát, cách TP. Đà Lạt khoảng 8 km. Thời gian gần đây, ngôi chùa được nhiều người biết đến do có kiến trúc độc đáo.
Chùa “ve chai” được xây dựng vào năm 1949, hoàn thành vào năm 1952. Chùa đã qua 4 đời trụ trì là Hòa thượng Thích Minh Thể (1951 - 1954), Hòa thượng Thích An Hòa (1954 - 1956), Thượng tọa Thích Quảng Phát (1956 - 1959) và Hòa thượng Thích Minh Đức (1959 - 1985). Thượng tọa Thích Tâm Vị đang trụ trì chùa từ năm 1985 đến nay.
Năm 1990, thượng tọa trụ trì đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Khi đó, ngôi chánh điện dài 33m, rộng 22m đã được xây dựng khang trang, bề thế. Trong điện, tôn tượng đức Bổn sư Thích Ca uy nghiêm, thiền tịnh trên tòa sen.
Hai bên tượng đức Phật là 2 bức phù điêu Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Bên trên hai hàng cột rồng khảm mảnh sành là 12 bức phù điêu giới thiệu sự tích đức Phật Thích Ca.
Sở dĩ chùa còn có tên gọi là "ve chai" vì được khảm bằng hàng triệu mảnh vỏ chai, chén bát vỡ, sành sứ đủ màu sắc.
Người dân ở xung quanh chùa vẫn thường hay kể cho nhau nghe về quá trình xây dựng ngôi chùa như hiện nay. Theo đó, để làm nên ngôi chùa là công sức của các nghệ nhân gạo cội đến từ Huế cùng các tăng ni, Phật tử trong chùa trong suốt hơn 20 năm qua.
"Để có đủ những mảnh ve chai, sành sứ để xây dựng thì các thầy phải xin ve chai từ các nhà máy bia rượu, đi gom mua lại từ nhà nhiều người dân sống xung quanh chùa. Gom về rồi thì các sư thầy xúc rửa từng món, cắt ra thành từng mảnh vừa vặn để khảm thật tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công sức" - một Phật tử tại đây kể lại.
Mặt trước chánh điện là tháp Đa Bảo cao 27m. Hai bên tháp là hai lầu chuông, trống. Trong bảo tháp có những bức phù điêu về sự hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, những bức phù điêu chạm nổi 500 vị A La Hán… Ở lầu Đại Bi, chùa tôn trí bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn.
Dưới nội điện chùa còn có công trình kiến trúc độc đáo, tái hiện sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên hiếu thảo đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp đầy đọa khổ đau qua 18 tầng địa ngục.
Chùa sở hữu tòa Linh Tháp, được ghi nhận là tháp chuông cao nhất Việt Nam vào năm 2008 bởi Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam.
Tòa tháp gồm 7 tầng cao 36 m, thiết kế tinh xảo và kỳ công.
Xung quanh tháp trang trí những bức tượng bắt mắt.
Chùa nổi tiếng với tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 650.000 bông hoa bất tử. Tượng cao 17m, nặng 3 tấn, bởi 30 nghệ nhân, 600 Phật tử trong 36 ngày. Bức tượng này được chứng nhận là kỷ lục thế giới bởi Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Record Union) vào năm 2017.
Ngoài tìm kiếm không gian tâm linh và chiêm bái, du khách đến chùa còn có cơ hội lưu lại những bức hình đẹp bên cạnh các bức tường khảm ve chai độc đáo, nhiều màu sắc và khung cảnh uy nghi, tĩnh lặng.
Hoàng hôn buông xuống, ngôi chùa bao phủ không khí tĩnh mịch trong làn khói hương của Phật tử bốn phương. Ráng chiều trải dài trên mái chùa, chạm tới các mảnh sành, sứ khiến tạo ra khung cảnh độc đáo. Sau một ngày dạo chơi khắp Đà Lạt, du khách nên dành thời gian tĩnh lặng, thưởng thức nét hoàng hôn bình yên tại "chùa ve chai".
Có thể bạn quan tâm
Theo CTV Giang Ngọc/VOV Copy link Link bài gốc Lấy link
https://vov.vn/du-lich/ngoi-chua-bang-ve-chai-co-mot-khong-hai-tai-viet-nam-828983.vov
Theo CTV Giang Ngọc/VOV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.