Cúng Tết bằng chiếc bánh dày khổng lồ của đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ năm, ngày 03/02/2022 09:02 AM (GMT+7)
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đối với đồng bào Mông những chiếc bánh dày không chỉ là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà mà trong đó còn có một chiếc bánh dày to được dùng để cúng tổ tiên.
Bình luận 0

Clip: Chiếc bánh dày khổng lồ của đồng bào Mông vùng cao xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp đón Xuân cùng đồng bào Mông đen dòng họ "Thào" ở bản Nặm Búa (nay là bản Co Nhừ), xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La).

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 1.

Gạo nếp được ngâm từ sáng sớm để tạo sự mềm dẻo, đến 13 giờ chiều sẽ vo lại đồ thành xôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Từ sáng sớm, người phụ nữ Mông đã ngâm những hạt gạo nếp trắng, sau khi ngâm được 8 tiếng đồng hồ. 

Đến 13 giờ chiều 30 Tết sẽ vo lại 2 -3 lần để gạo trắng tinh rồi cho vào chõ gỗ đồ xôi, khi gạo chín thành cơm thì đưa vào cái cối để giã, 2 người giã cho đến khi mền nhũ vất ra vào cái mẹt có đường kính khoảng 50 cm.

Bên cạnh đó, khi giã xong để miếng bánh dày không dính vào tay, người Mông sẽ dùng lòng vàng của quả trứng gà đã luộc chín xoa vào cái mẹt.

Đồng thời, người phụ nữ Mông sẽ bẻ 4 miếng nhỏ đầu tiên từ trong cối để lại, 3 miếng nặn thành 3 cái bánh nhỏ để lên cùng chiếc bánh dày to, miếng còn lại sẽ do người chủ cột trong gia đình mang đi làm lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên.

 Đây là chiếc bánh dày to khổng lồ đầu tiên được người Mông dòng họ "Thào" dùng để cúng trong đêm 30 Tết. 

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 2.

Những hạt gạo trắng tinh mới sẽ được cho vào chõ gỗ đồ xôi bằng bếp củi trong thời gian một tiếng đồng hồ rồi đem ra giã. Ảnh: Mùa Xuân.

Chiếc bánh dày này, tiếng Mông gọi là "Dúa đa", mỗi năm khi Tết đến, nhà nào tổ chức Tết, công việc đầu tiên trong đêm 30 Tết cúng không thể thiếu chiếc bánh đó.

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 3.

Giã chiếc bánh dày đầu tiên của đêm 30 Tết. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo quan niệm của người Mông đen dòng họ "Thào" ở bản Co Nhừ, sở dĩ có 3 cái bánh dày nhỏ cho lên cùng chiếc bánh to là vì một chiếc bánh dày nhỏ sẽ được dùng để báo cáo thành quả một năm lao động vất vả của người Mông. Còn một chiếc sẽ dùng để cúng tổ tiên, như một sự báo hiếu mang lại sự may mắn, hạnh phúc. 

Chiếc cuối cùng gắn liền với chiếc bánh dày to, tượng trưng cho trái đất tròn đã che chở, cho mưa thuận gió hòa để người Mông sau một năm lao động có những bắp ngô, bao thóc đầy nhà, đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình.

Ông Thào Chứ Dua, bản Co Nhừ, chia sẻ: Tôi cũng không nhớ chiếc bánh dày to có từ bao giờ, khi lớn lên các ông, bà đã truyền lại nên đến tận bây giờ người Mông chúng tôi vẫn luôn lưu giữ. Đây cũng là một trong những việc làm quan trọng nhất trong các lễ cúng đêm 30 Tết của dòng họ "Thào".

"Sau khi chiếc bánh dày to đã được nặn rải đều lên cái mẹt xong, sẽ cho 3 cái bánh dày nhỏ lên mặt bánh to. Đợi đến khi làm các thủ tục gọi hồn đón năm mới; quét dọn nhà cửa, bụi bẩn trong nhà xua đuổi tà khí, những điều không may mắn của năm cũ, đón chào năm mới thì mới mang đi cất", ông Dua nói thêm.

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 4.

Chiếc bánh dày được rải lên cái mẹt bằng tre. Ảnh: Tuệ Linh.

Còn anh Thào Sìa Của, bản Co Nhừ cũng bảo: Việc đầu tiên trong đêm 30 Tết, dòng họ "Thào" chúng tôi không thể thiếu chiếc bánh dày to đặt lên cái mẹt để thờ cúng tổ tiên. Chiếc bánh này không ai được ăn cho đến khi hết 3 ngày kiêng.

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 5.

Một trong 4 miếng bánh dày đầu tiên sẽ được người chủ cột trong gia đình mang ra làm lễ trước bàn thờ của tổ tiên. Ảnh: Mùa Xuân.

Cuối cùng khi xong mọi thủ tục lễ cúng đêm 30 Tết của gia đình thì người chủ cột trong gia đình sẽ mang chiếc bánh dày to lên đặt ở trên gác cao chỗ gần cửa phòng ngủ và cột nhà chính của gia chủ.

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 6.

Chiếc bánh dày khổng lồ được mang đi cất ở trên gác sau khi đã xong mọi nghi lễ cúng đêm 30 Tết. Ảnh: Mùa Xuân.

Chiếc bánh dày khổng lồ cúng Tết của đồng bào Mông Sơn La - Ảnh 7.

Chiếc bánh dày được để trên gác xà chính của người chủ cột trong gia đình trong thời gian 3 ngày rồi mới đem xuống cắt từng miếng để nướng ăn. Ảnh: Mùa Xuân.

Có thể thấy đồng bào Mông, mỗi vùng miền, mỗi dòng họ lại có những bản sắc văn hóa đặc trưng từ trang phục đến những tục cúng trong các ngày lễ, Tết trong năm. Việc dùng chiếc bánh dày to để cúng trong những ngày Tết của người Mông đen dòng họ "Thào" bản Co Nhừ nói riêng và ở một số dòng họ khác nói chung đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được các thế hệ gìn giữ và phát huy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem