Nhắc đến Triệu Mẫn, chắc hẳn những người theo dõi kiếm hiệp Kim Dung không còn xa lạ. Nàng là một quận chúa tài mạo song toàn, sánh đôi bên nam chính Trương Vô Kỵ trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
Triệu Mẫn cũng là một trong những nữ chính được yêu thích nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung. Người hâm mộ thích nhan sắc, thích sự thông minh, ngang tàng và thích cả mối tình đẹp của nàng với Trương Vô Kỵ.
Thế nhưng, nếu tách khỏi Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung để tìm hiểu nguyên mẫu của Triệu Mẫn trong lịch sử thì sẽ chỉ cảm thấy sự thương xót và đau lòng.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung, Triệu Mẫn là quận chúa Mông Cổ, con gái của Nhữ Dương Vương Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ thời nhà Nguyên, em gái của Khố Khố Đặc Mục Nhĩ (hay còn gọi là Vương Bảo Bảo).
Trong lịch sử Triệu Mẫn không tồn tại nhưng Vương Bảo Bảo quả thực có một người em gái, gọi là Vương thị. Chỉ tiếc, số mệnh của Vương thị không đẹp như Triệu Mẫn.
Vương Bảo Bảo được coi đệ nhất mãnh tướng, trụ cột của nhà Nguyên lúc bấy giờ. Vương Bảo Bảo chính là chướng ngại lớn nhất của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương trong phong trào phản Nguyên.
Dù rất tức giận vì bị Vương Bảo Bảo đánh bại nhiều lần nhưng Chu Nguyên Chương lại rất mến mộ tài năng của vị tướng quân này, nhiều lần ra sức chiêu hàng nhưng bất thành.
Thậm chí, người đời còn truyền tai rằng, một trong ba điều hối tiếc nhất cuộc đời Minh Thái Tổ là không chiêu hàng được Vương Bảo Bảo.
Trong Minh sử ghi chép lại, năm 1371, quân Minh bắt được em gái của Vương thị giao nộp cho Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương vô cùng vui mừng, ép Vương thị gả cho thứ tử Chu Sảng, đồng thời làm con tin uy hiếp Vương Bảo Bảo quy hàng nhưng vẫn không thành công.
Còn về Vương thị, giống như Triệu Mẫn trong tiểu thuyết, nàng cũng là một cô gái có khí phách, không cam chịu khuất phục cường quyền, tìm đủ mọi cách để cự tuyệt hôn sự.
Tuy nhiên, Chu Nguyên Chương quyết phong Vương thị làm Vương Phi và ép nàng phải thành thân với Chu Sảng. Cuộc hôn nhân ép buộc này đương nhiên không có kết quả tốt đẹp.
Dù sinh cho Chu Sảng đến 3 người con trai nhưng Chu Sảng vẫn không có cảm tình với Vương thị, còn thường xuyên hành hạ nàng. Thậm chí, Vương thị bị Chu Sảng giam lỏng ở hậu viện, không được tự do đi lại, cả đời chỉ quanh quẩn chốn sân vườn phía sau vương phủ.
Đó vẫn chưa phải là kết cục cuối cùng của Vương thị. Năm 1395, Chu Sảng sau khi đánh trận trở về thì lâm bệnh mất. Vương thị bị buộc phải tuẫn táng theo chồng, kết thúc cuộc đời bi thương, mất tự do của nàng "quận chúa Mông Cổ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.