Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng “tấn công” khách hàng

H.Anh Thứ bảy, ngày 25/09/2021 11:50 AM (GMT+7)
Theo phản ánh của người dân, kể từ đầu mùa dịch đến nay, tần suất các tin nhắn và cuộc gọi mời vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn họ nhận được ngày càng tăng. Điều đáng nói, dù đã không ít lần từ chối, thậm chí chặn số nhưng nhiều người vẫn không ngừng bị các cuộc gọi này “làm phiền”.
Bình luận 0

Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng "tấn công" khách hàng

Trao đổi với Dân Việt, chị Lê Thị T. (Hoài Đức – Hà Nội) bày tỏ bức xúc, trong những ngày gần đây chị liên tục nhận được các cuộc điện thoại mời chào vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn, dù rất nhiều lần từ chối. Thậm chí, sau mỗi cuộc gọi chị T đều "chặn" số nhưng các cuộc gọi mời chào vay vốn vẫn làm chị mất không ít thời gian.

"Lãi suất mời vay thậm chí rất thấp chỉ 0,5%/tháng, tức là chỉ 7,2%/năm và không cần thế chấp. Có những hôm có tới 3 công ty khác nhau gọi đến mời chào vay vốn tiêu dùng, trong đó chủ yếu là các nhân viên nói giọng miền Nam. Dù đã từ chối vay nhưng ngay hôm sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ công ty đó mời chào vay nhưng bằng số điện thoại khác", chị T. bày tỏ bức xúc.

Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng “tấn công” khách hàng - Ảnh 1.

Ngoài "bão" cuộc gọi mời vay vốn, mỗi tháng khách hàng còn nhận được không ít tin nhắn mời vay tiêu dùng, mở thẻ của các công ty cho vay, ngân hàng thương mại. (Ảnh: NVCC)

Chị T cho biết thêm, ngoài các số điện thoại gọi đến mời vay, mỗi tháng chị còn nhận được cả chục tin nhắn mời vay của các công ty tài chính tên tuổi, hạn mức vay lên tới 50 triệu đồng.

Chưa kể, các tin nhắn của một số ngân hàng thương mại mời mở thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập nhưng có thể nhận được nhiều quà tặng trị giá hàng triệu đồng, và cấp, duyệt thẻ chỉ trong 15 phút.

Tương tự, anh Hoàng Ngọc L. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời chào đầu tư, vay vốn từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

"Nhiều cái tên doanh nghiệp chưa từng nghe tới bao giờ. Các cuộc gọi này bất chấp thời gian, có khi là sáng sớm, có khi là giờ nghỉ trưa và thậm chí là vào buổi tối. Nhiều khi chỉ nghe tên đã xin phép cúp máy vì biết rằng nếu nghe thì chỉ mất thời gian mà không giải quyết được vấn đề gì. Tôi có chặn số nhưng không hết được, chặn số này lại có số khác gọi", anh L. nói.

Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng “tấn công” khách hàng - Ảnh 2.

Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng "tấn công" khách hàng. Ảnh: L.T

Cẩn thận với các cuộc gọi cho vay tiêu dùng

Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Hậu quả là 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập.

Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút, khiến cho nhu cầu tìm kiếm các khoản vay tiêu dùng cũng vì gia tăng.

Đánh vào nhu cầu của người dân, nhiều công ty cho vay tài chính đẩy mạnh lôi kéo khách hàng bằng những lời giới thiệu hấp dẫn người vay thông qua tin nhắn và cuộc gọi. Đây cũng là cơ hội cho một số đối tượng lừa đảo. Thực tế, cũng có những trường hợp "sập" bẫy lừa đảo từ hình thức cho vay này.

Cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiêu dùng “tấn công” khách hàng - Ảnh 3.

Cẩn thận với các cuộc gọi cho vay tiêu dùng. Ảnh: L.T

Anh L.H.M (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, đầu tháng 9, một nhân viên tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính mời vay tiền. Thủ tục đơn giản, số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân và hơn nữa lãi suất chỉ 0,7%/tháng. Trong khi đó, vay nóng bên ngoài nếu vay 1 triệu phải mất 5.000 đồng/ngày.

"Thấy lãi suất hấp dẫn nên tôi cũng đã đồng ý với lời đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, đến bước cuối cùng để giải ngân, bên cho vay yêu cầu phải đóng trước vào tài khoản của công ty 10%, trong tổng số tiền vay là 20 triệu. Theo lý giải, đây là quy định của công ty để xác định được người vay có khả năng trả nợ trong tương lai. Nhưng sau khi nộp tiền, tôi không nhận được tiền vay và không thể liên hệ được người cho vay. Tôi cũng đã phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng số tiền đã mất chắc không thể lấy lại được", anh M nói.

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính khuyến nghị, người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, mời vay tiền. Bởi thực chất, người nghe không thể xác minh được người gọi từ đầu dây bên kia là ai, đến từ đâu, của cơ quan, tổ chức nào nên rủi ro ở đây là rất lớn. Ngoài các hình thức kiểu truyền thống như qua tin nhắn, gọi điện hiện nay các tay lừa đảo còn tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng để tìm cách lừa đảo. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khi thực hiện đi vay qua các lời mời chào từ tin nhắn, điện thoại.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng khi vay tiêu dùng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, đặc biệt là một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Cụ thể là các điều khoản về thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức, lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi, các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).

Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng nên xem xét việc có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này. Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...

Từ đó, người dân nên cân nhắc kỹ, không đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem