Không bán được sản phẩm, dòng tiền suy kiệt, nhiều sàn giao dịch bất động sản lao đao

Gia Linh Thứ năm, ngày 07/09/2023 13:23 PM (GMT+7)
Các chuyên gia dự báo nhiều sàn giao dịch bất động sản khó có thể trụ được tới hết quý III/2023, thậm chí nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản khi tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục kéo dài.
Bình luận 0

Sàn giao dịch bất động sản loay hoay 

Chia sẻ với Dân Việt, anh N.V.C. (giám đốc một sàn môi giới bất động sản có trụ sở tại quận 12) cho biết suốt 2 tháng qua, doanh nghiệp không bán được sản phẩm nhà đất nào. Dòng tiền cạn kiệt, việc tìm kiếm và thuyết phục khách hàng mua bất động sản khó khăn hơn bao giờ hết. Dù các nhân viên môi giới của công ty rất nỗ lực tiếp cận, giới thiệu sản phẩm nhưng đều nhận về là cái lắc đầu từ khách hàng.

"Để có kinh phí trả lương cứng cho nhân viên, tiền thuê văn phòng, chi phí điện nước, bảo hiểm... tôi đã phải cầm cố xe ô tô cho ngân hàng để có tiền mặt. Tình hình này nếu tiếp tục kéo dài, tôi không biết công ty mình có thể trụ được đến bao lâu. Thật sự nhiều năm chinh chiến làm địa ốc, chưa bao giờ tôi thấy thị trường khó khăn như hiện nay", anh C. cho hay.

Cuối năm 2023, nhiều sàn giao dịch sẽ giải thể nếu thị trường địa ốc chậm chuyển mình - Ảnh 1.

Môi giới bất động sản ra sức tìm khách hàng. Ảnh: Gia Linh


Trong khi đó, lãnh đạo công ty U.N.L. (đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức) cho biết công ty đã phải cắt giảm 50% nhân viên môi giới vì không đủ chi phí hoạt động. Hiện tại, công ty chỉ giữ lại một số nhân sự chủ chốt, các trưởng nhóm bán hàng... để hoạt động cầm chừng. Chờ khi thị trường diễn biến tích cực hơn sẽ tuyển dụng bổ sung nhân sự thêm.

Ghi nhận thực tế, trường hợp như 2 công ty trên không phải là hiếm trên thị trường ảm đạm trong thời gian qua. Rất nhiều công ty, sàn giao dịch, môi giới bất động sản tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành khác lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phá sản vì không bán được hàng, không có dòng tiền duy trì hoạt động.

Hệ lụy, nhiều công ty, sàn giao dịch có hơn phân nửa nhân viên môi giới đã nghỉ việc. Những người còn bám trụ với nghề, hằng ngày phải chật vật cố gắng tìm khách hàng. Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Làn sóng phá sản của các sàn giao dịch sẽ gia tăng trong cuối năm

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều hạn chế do: các khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu; sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã suy yếu; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương.

Cuối năm 2023, nhiều sàn giao dịch sẽ giải thể nếu thị trường địa ốc chậm chuyển mình - Ảnh 3.

Nhiều sàn giao dịch chật vật tìm cách tồn tại giữa khó khăn bủa vây. Ảnh: Gia Linh

Thực tế, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Khảo sát với các hội viên của VARS, có tới 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản. 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. 

Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều. Nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023. Nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Cuối năm 2023, nhiều sàn giao dịch sẽ giải thể nếu thị trường địa ốc chậm chuyển mình - Ảnh 4.

Làn sóng giải thể của các sàn giao dịch bất động sản sẽ lan rộng vào cuối năm nếu thị trường còn nhiều khó khăn. Ảnh: Gia Linh

Nhiều người làm môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro, không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội,... do không có nguồn thu; hay bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện... do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng các sàn giao dịch, môi giới bất động sản đang đối diện với khó khăn chồng chất từ với việc thị trường khan hiếm sản phẩm, thiếu hụt khách hàng. Tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản đến từ cả hai chiều. Giống như một chốt chặn đầu và một chốt chặn sau, khiến cho các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản không có cơ hội "trở mình".

"Thời gian tới, nếu thị trường vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ rệt thì làn sóng những người môi giới bất động sản nghỉ việc, sàn giao dịch giải thể sẽ còn tiếp diễn", vị chuyên gia của VARS nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem