Diệu Bình
Thứ năm, ngày 11/02/2021 15:34 PM (GMT+7)
Không còn cảnh người bán, người mua tấp nập vào sáng 30 Tết như năm trước, các chợ nằm tại trung tâm thành phố Đà Nẵng ngày cuối năm chỉ lác đác vài người mua, bán.
Ngày 11/2 (30 Tết), ghi nhận của PV tại Chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), trái ngược với ký ức của nhiều người về cảnh chen lấn, náo nhiệt vào những ngày cận Tết như mọi năm, năm nay nhiều tiểu thương tại đây phải nghỉ Tết sớm. Ngoài những gian hàng bán các mặt hàng thiết yếu như rau quả, thịt cá... mở cửa thì khoảng 80- 90% ki ốt tại chợ này phải đóng cửa vì vắng bóng "thượng đế".
Đang dọn dẹp lại gian hàng để về nhà đón Tết, chị Nguyễn Thanh Mai (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), một chủ ki ốt bán giày dép cho biết, chị dự định qua năm mới sẽ mở cửa buôn bán trở lại vì từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các gian hàng bán quần áo, giày dép đều không có khách.
"Tưởng đâu Tết, sức mua của người dân sẽ khá hơn nhưng vẫn không có khách. Các chị em tiểu thương quanh đây đã đóng cửa, nghỉ bán từ 28, 29 Tết. Ngoài phục vụ người dân địa phương, chúng tôi còn phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Thế nhưng từ khi có dịch đến nay khách không có, người dân cũng chẳng mua hàng nên có mở cửa thì cũng không biết bán cho ai", chị Mai cho nói.
Dự báo tình hình Tết mức tiêu thụ sẽ ít hơn vì dịch Covid-19 nên chị Nguyễn Thị Xinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), tiểu thương bán rau quả đã rất cầm chừng trong việc lấy hàng về bán cho khách vào dịp cuối năm.
"Dù đã lấy hàng ít hơn một nửa so với năm ngoài, nhưng tới giờ, chiều 30 Tết rồi mà vẫn còn. Cố gắng đứng bán đến khi nào hết người mua thì thôi, không thì cũng phải bỏ đi vì hư hỏng hết. Ế lắm, Tết năm nay buồn rồi", chị Xinh chia than thở.
Trao đổi với PV, ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối Hòa Cường cho biết năm nay, phần lớn tiểu thương đều đã dọn hàng, ngừng bán vào trưa ngày 29 âm lịch. Lý giải điều này, ông Anh cho rằng do sức mua của người dân quá yếu, dẫn đến việc nhiều tiểu thương không mặn mà trong việc nhập thêm hàng để phân phối.
"Tình hình dịch bệnh, kinh tế sụt giảm cùng với sự thiếu hụt lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng, thiếu người dân xa quê về thành phố ăn Tết khiến sức mua giảm mạnh. Lượng cung dồi dào nhưng người mua không bằng năm ngoái. Chợ năm nay khá đìu hiu", ông Anh nói.
Có thể nói, dịch Covid-19 là "đòn giáng đau" cho các tiểu thương bán hoa, cây cảnh tại chợ hoa Tết Đà Nẵng. Chiều 30 Tết, cảnh chợ vẫn rất ảm đạm, lác đác vài người mua, bán trong khi cũng tại chợ hoa Tết nổi tiếng nhất Đà Nẵng này, những năm trước vào ngày 30 Tết luôn tấp nập người ra vào. Theo nhiều tiểu thương, vì quá ế ẩm nên nhiều tiểu thương đã dọn về từ hôm qua (29 Tết).
"Chưa có năm nào như năm này, các mặt hàng hoa đã ít, người mua càng ít hơn. Ế lắm, người ta chỉ xem thôi chứ không mua. Chậu mai chăm cả mấy cả năm trời mà trả giá 1, 2 triệu thì bán kiểu gì", anh Phong (Gia Lai), tiểu thương bán hoa tại chợ hoa Tết Đà Nẵng nói.
Không riêng gì anh Phong mà những tiểu thương bán hoa, cây cảnh khác tại đây cũng đành chấp nhận chở về vì không có khách mua, nếu có khách cũng trả giá quá thấp.
Theo chị Anh Ngọc, một tiểu thương bán hoa tại chợ hoa Tết chia sẻ, chưa khi nào giá hoa giảm mạnh và buôn bán ế ẩm như thế này, nhất là những ngày cao điểm như 28 - 29 Tết. Chẳng hạn hoa ly những năm bình thường đều có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/cặp nhưng nay chỉ dao động từ 350.000 - 450.000 đồng/cặp; đỗ quyên bình thường có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/cặp nay chỉ dao động từ 180.000- 200.000 đồng/cặp…
"Ngày 30 Tết những năm trước, tại chợ hoa trung tâm này luôn đông đúc và tấp nập người mua. Trong khi năm nay thì vắng người bán, vắng cả người mua. Ngồi đây mấy ngày Tết mà bán ra chắc chỉ còn khoảng 50% so với những Tết trước đây. Dịch Covid-19 khiến mọi người ngại đi chợ, giảm mua sắm... ", chị Ngọc cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.