Diệu Bình
Thứ hai, ngày 01/02/2021 13:31 PM (GMT+7)
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và đây là thời điểm bận rộn để các tiêu thương kinh doanh hàng Tết. Thế nhưng năm nay, tại TP.Đà Nẵng, thị trường các mặt hàng thực phẩm khô, giày dép, quần áo… vẫn vắng khách.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại chợ Hàn (Đà Nẵng), một trong những chợ lớn nhất TP.Đà Nẵng, không sôi động, nhộn nhịp như mọi năm, những ngày cuối Canh Tý, nơi đây trở nên vắng vẻ lạ thường. Trong chợ chỉ có lác đác vài người mua, nhiều tiểu thương ôm điện thoại để "giết thời gian" hoặc nói chuyện với nhau cho hết ngày vì không có khách.
Chị Lê Thu Hà, một tiểu thương kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Hàn cho biết, mặc dù đây là thời điểm bán hàng Tết nhiều nhất, nhưng do ảnh hưởng từ 1 năm dịch bệnh và thiên tai, nên hiện sức mua của người tiêu dùng hạn chế.
"Mọi năm vào giờ này, khách đến mua hàng tấp nập nhưng năm nay thì quá ế. Tiểu thương chúng tôi cũng đã dự đoán trước được nên không tích trữ hàng hóa gì nhiều. Chỉ mong từ đây tới Tết bán được chút ít để kiếm đồng tiêu Tết", chị Hà than thở.
Trước đó, trải qua 2 đợt dịch, nhiều tiểu thương tại Đà Nẵng đã chủ động tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động kinh doanh vì buôn bán ế ẩm. Đến nay, sau nhiều tháng đóng cửa, các tiểu thương mở cửa trở lại mong có thể tiếp tục buôn bán bù đắp lại phần nào thiệt hại trong gần 1 năm qua, tuy nhiên tình hình không khả quan hơn là mấy.
Chị Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương kinh doanh giày, dép tại chợ Túy Loan (Đà Nẵng) cho biết, chị mới mở bán lại chưa được 2 tháng nhưng người sức mua vẫn rất chậm mặc dù đã cận Tết.
"Trừ ngành hàng thực phẩm tươi sống ít bị tác động, còn lại hầu hết ngành hàng ở chợ đều ế ẩm cả năm nay. Khổ nhất là ngành hàng giày dép, túi xách, quần áo, thủ công mỹ nghệ… Chỉ còn 2 tuần nữa là hết năm Canh Tý mà sức mua tại chợ vẫn lẹt đẹt, giảm đến 60 -70% so với cùng kỳ năm trước. Không biết khi nào chợ mới chưa trở lại như trước, Tết năm nay buồn rồi", chị Cúc nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn (Đà Nẵng) cho biết, dịch bệnh, thiên tai khiến đời sống người dân khó khăn, e dè trong mua sắm các mặt hàng Tết. Nắm bắt được tâm lý đó nên các tiểu thương không lấy hàng nhiều.
"So với Tết năm ngoái, năm nay nguồn hàng dự trữ giảm hơn 50%, có hàng giảm 70-80% như bánh, kẹo. Sức mua yếu", ông Hùng nói và cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho biết, dịp tết Tân Sửu, thành phố dành 1.700 tỷ đồng để mua hàng hoá phục vụ người dân, trong đó gồm các mặt hàng như: gạo, nếp, thịt lợn, thịt bò, mứt, bánh kẹo,… và khoảng 1 ngàn tấn rau củ, quả.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng, Sở đã phối hợp các Sở, ngành, liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa để có kế hoạch bảo đảm cân đối lượng hàng tết, bình ổn thị trường, phục vụ cho cho người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.