Đại hội XII ghi dấu những thành tựu đối ngoại: Việt Nam khẳng định năng lực dẫn dắt các vấn đề toàn cầu

Vĩnh Nguyên Thứ năm, ngày 21/01/2021 14:14 PM (GMT+7)
Những sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua đã thể hiện trí tuệ sâu sắc, khả năng linh hoạt thích ứng và những năng lực mới của nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là qua năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Bình luận 0

Trí tuệ Việt Nam

Trong buổi tổng kết Năm ASEAN 2020 dành cho báo chí, diễn ra vào tháng 11/2020, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương đưa ra một đánh giá về công tác đối ngoại có thể đặt ra cho Đại hội Đảng toàn quốc XIII: Việt Nam có năng lực dẫn dắt trong các vấn đề khu vực và toàn cầu không? 

Bà khẳng định: "Sau Hội nghị cấp cao APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tháng 2/2019 và năm ASEAN 2020, có thể khẳng định là có. Việt Nam đã có những thay đổi tư duy trong nước về cách làm hoạt động đối ngoại hiệu quả hơn. Chúng ta không ngờ sức bật Việt Nam, trí tuệ Việt Nam lớn thế".

Đại hội XII  ghi dấu những thành tựu đối ngoại: Việt Nam khẳng định năng lực dẫn dắt các vấn đề toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 37.

Nhìn lại Hội nghị cấp cao APEC 2017, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới với tất cả lãnh đạo các nền kinh tế APEC hội tụ tại Đà Nẵng, hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên trong và ngoài nước. Với 8 văn kiện được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trong đó, quan trọng nhất là Tuyên bố cấp cao Ðà Nẵng "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", Việt Nam một lần nữa tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỷ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006, khi Việt Nam lần đầu tiên chủ trì Hội nghị cấp cao APEC.

Tiếp đó, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào tháng 2/2019, Việt Nam có thể nói đã giành được sự tin cậy của các nước. Chỉ trong 10 ngày, Việt Nam đã hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho một hội nghị thu hút sự quan tâm nhiều nhất của báo chí quốc tế. 

Cho đến năm ASEAN 2020, Việt Nam đã tạo được dấu ấn thành công đặc biệt xuất sắc trong bối cảnh dịch. Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy những công việc lâu nay được cho là khó khăn và "nhạy cảm", theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, như kiểm điểm giữa kỳ kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025, rà soát Hiến chương ASEAN, định hướng tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, thúc đẩy vai trò trung tâm ASEAN và xử lý vấn đề cạnh tranh chiến lược.

"Việt Nam đã tạo ra nhiều di sản cho ASEAN trong những năm tiếp theo, ASEAN có rất nhiều việc để làm" - ông Nguyễn Đồng Trung - Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao nhận xét. "ASEAN hay bị xem là nói nhiều, ít hoạt động cụ thể, nhưng năm nay, khi Việt Nam làm Chủ tịch, ASEAN đã đưa ra rất nhiều sáng kiến cụ thể được đồng thuận và ủng hộ". Những sáng kiến của Việt Nam về chống Covid-19 như thành lập kho vật tư dự trữ y tế, thành lập Quỹ ứng phó khẩn cấp về y tế đã lập tức nhận được cam kết hàng triệu USD của các đối tác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...

Tiếng nói với các vấn đề quốc tế

Tiếng nói và vai trò của Việt Nam đối với các vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng hòa bình an ninh khu vực và quốc tế tiếp tục được khẳng định. Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới LHQ khẳng định rõ lập trường của mình; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển. 

ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển. ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Sự kiên quyết, kiên trì cùng những chứng cứ, lý lẽ dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam đã giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về việc bảo đảm hòa bình an ninh cho một vùng biển có ý nghĩa quan trọng với giao thương toàn cầu. Trong năm qua, Việt Nam đã lưu hành các công hàm khẳng định chủ quyền Biển Đông tại Liên Hợp Quốc, diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu, nơi tụ hội tất cả các quốc gia thành viên, tạo thuận lợi mới cho cuộc đấu tranh của chúng ta về chủ quyền biển đảo. Sau khi Việt Nam đưa ra công hàm, đó là cơ hội để nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ với sự thượng tôn luật pháp trên Biển Đông, trong đó nổi bật là tuyên bố của Đức, Anh, Pháp ủng hộ tự do hàng hải, an ninh an toàn Biển Đông.

Cạnh tranh nước lớn nổi lên dữ dội chưa từng thấy trong năm 2020 cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19. Việt Nam đã khéo léo dẫn dắt các hoạt động của ASEAN trong bối cảnh như vậy, đề cao giá trị trung lập, đề cao hòa bình ổn định, các sáng kiến cơ chế do ASEAN chủ trì được các nước quan tâm, hoan nghênh và muốn tham gia, vai trò, giá trị của ASEAN được thúc đẩy thông qua đối thoại với các nước lớn, thể hiện năng lực hội tụ các nước lớn trong thời điểm khó khăn của thế giới.

Tại cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Trung Quốc và Mỹ là các đối tác quan trọng với các nước, kể cả ASEAN và Việt Nam... ASEAN luôn mong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển, không muốn chọn bên nào, mà hợp tác cùng có lợi vì hòa bình khu vực và tương lai của các nước, kể cả các đối tác". Bên cạnh đó, thế giới ngày nay không chỉ buộc Việt Nam và ASEAN lựa chọn Mỹ - Trung mà có nhiều giải pháp đa phương khác, có thể tương tác nhiều hơn với các nước lớn khác như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... và thực tế các quan hệ đó đã được thúc đẩy trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao ASEAN 36, 37 với những kết quả rất cụ thể.

Có một điểm đáng chú ý của năm qua là sự chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở các ngành, các cấp, trong đó có ngành ngoại giao. Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy cuộc chuyển dịch này, mà lẽ ra có thể mất nhiều năm thực hiện. Hơn 500 cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN, trong đó có hơn 30 cuộc cấp cao giữa các lãnh đạo ASEAN và ASEAN với đối tác, những cuộc điện đàm trực tuyến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo các nước đã giúp Việt Nam phát triển các quan hệ song phương ngay trong thời dịch. Ứng dụng chuyển đổi số là nền tảng để thay đổi sự hợp tác của các quốc gia trong xu hướng mới... Tất cả những điều đó Việt Nam đã làm được trong năm qua và đó cũng là một bằng chứng về sự chủ động thích ứng của Việt Nam để tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề quan hệ quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem