Đại tá Công an dẫn vụ Quân "xa lộ" và đề nghị cấm dịch vụ đòi nợ

PVCT Thứ tư, ngày 20/11/2019 11:55 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, dịch vụ kinh doanh đòi nợ gây nhiều hệ lụy xã hội, cần đưa  vào danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Bình luận 0

img

ĐBQH Phạm Huyền Ngọc (ảnh quochoi.vn).

Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Phát biểu góp ý, ĐBQH Phạm  Huyền Ngọc, Giám đốc Công an Ninh Thuận đã đề cập tới kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Theo ĐB Ngọc, trong thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực. Bên đòi nợ tìm mọi cách để huỷ hoại tài sản trái pháp luật, đe doạ, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. 

“Nhiều nơi lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ gây chết người. Phổ biến là hành vi đe doạ người thân, cha mẹ con nợ”, Giám đốc Công an Ninh Thuận cho biết.

Vẫn theo vị ĐBQH này, những đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới. Ông nêu ví dụ, con nợ là giáo viên thì đối tượng đòi nợ gọi điện đe doạ cả ban giám hiệu nhà trường, hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

“Những hành vi này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng Công an rất khó xác định và xử lý đối tượng”, Đại tá Phạm Huyền  Ngọc nói và dẫn chứng vụ Quân “xa lộ” (Mai Văn Quân - đại ca giang hồ có tiếng ở quận Thủ Đức và các tỉnh giáp ranh TP.HCM đã bị 20 đối tượng cầm hung khí truy sát dẫn tới tử vong. Công an xác định vụ án này do mâu thuẫn kinh doanh); vụ mới nhất xảy ra ngày 18/11 ở Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng… 

Sau khi phân tích, dẫn chứng, ĐBQH, đại tá Phạm Huyền Ngọc đã nhấn mạnh: "Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý".

Cũng đề cập tới vấn đề này nhưng ở góc nhìn khác, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói về vấn đề liên quan đến pháp lý trong chuyện nợ nần. Ông cũng bày tỏ quan điểm đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem