Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Công tác cứu hộ lũ quét ở Làng Nủ đang rất khẩn trương, hơn 500 người đã được huy động, chia nhiều ca kíp. Nhóm PV.
Làng Nủ nằm dưới chân núi Con Voi. Bao năm qua, 37 hộ dân tộc Tày sinh sống yên bình ở đây. "Làng Nủ chưa từng xảy ra lũ hay thiên tai gì cả", một người dân xã Phúc Khánh nói. Chẳng ai nghĩ biến cố lũ quét Làng Nủ sẽ xảy đến.
Nhưng rạng sáng qua (10/9), "Con Voi" với hàng triệu khối đất đá bất chợt trở mình, cả bản làng thương mến lập tức gần như trở thành... bình địa.
Ông Hoàng Ngọc Diệp – Trưởng thôn Làng Nủ đứng chỉ về phía bãi bùn đất, rồi kể vị trí từng hộ dân, tên chủ hộ trước đây từng sinh sống.
"Ở đây có cả nhà xây, nhà gỗ. Nhưng bị trôi hết, lấp hết", ông Diệp thẫn thờ.
Chuyện xảy ra vào rạng sáng qua, khoảng 6 giờ sáng, trong đời ông Diệp chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào kinh khủng như thế. Những tiếng ục ục như báo trước thảm họa - "nhưng lúc đấy nào ai biết" - rồi một tiếng nổ lớn, cả mảng đất đá khổng lồ từ núi Con Voi trùm xuống Làng Nủ.
Mặt đất rung chuyển, mảnh gỗ, bê tông, xe máy, đồ đạc bị áp lực bắn cao lên không trung rồi lại sập xuống lần nữa cùng đất đá. Tiếng ì ầm kết thúc, tiếng kêu khóc vang lên. Cả thôn Làng Nủ phút chốc thành bình địa.
Tiếng nổ lớn khiến người dân ở xã Lương Sơn, giáp với xã Phúc Khánh cũng cảm nhận được.
Lúc đấy là gần 6 giờ sáng, ông Hoàng Văn Huế ở Bản Buộc (xã Lương Sơn) đi làm nương sớm. Tiếng nổ lớn làm ông giật mình, cứ thế, người đàn ông bỏ dụng cụ làm nương chạy về phía Làng Nủ.
"Lúc đấy mình cũng không biết chuyện gì, chỉ biết cần phải sang bên đấy", ông Huế nói. Ông băng đồi, vượt suối chạy sang Làng Nủ. Cảnh tượng thật kinh hoàng, cả bản làng không còn nữa.
"Người ta cáng một số người bới trong bùn đất ra nhà văn hóa, tôi cũng giúp một tay", ông Huế kể lại.
Ở gần hiện trường hơn so với ông Huế, ngay sau khi đất đá sụp xuống, ông Hoàng Văn Tá (xã Phúc Khánh) đã có mặt tại hiện trường.
"Tuổi ông ngoại rồi mà cả đời chưa từng thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như thế này", ông Tá nói bàng hoàng nhớ lại.
Trong mưa, ông Tá cùng người dân xung quanh lần theo tiếng khóc, tiếng kêu yếu ớt trong phát ra từ đống bùn đất. Cứ từng người, từng người một được bới lên. Ông Tá bới đất, đưa lên được 5 người.
Người dân nhìn thấy một số người bị cuốn theo dòng nước bùn nhưng bất lực không cách nào tiếp cận được. "Sợ lắm, đến giờ tôi vẫn còn sợ. Người thân tôi cho di chuyển đến nơi khác hết rồi. Giờ nghe tiếng mưa rơi ở Làng Nủ cũng sợ", ông Tá chưa hết hoàn hồn.
Sáng qua (10/11), những cánh tay ở Làng Nủ đã kéo được hơn 20 đồng bào từ đống bùn đất của núi Con Voi, một số người đã tử vong, 17 người đến nay vẫn được điều trị trong bệnh viện.
Đường sá vẫn bị chia cắt, người dân phải cáng bộ người bị nạn, dùng thuyền chở qua suối đến chỗ có đường bê tông, tăng bo xe công nông vượt qua những chỗ sạt lở, vượt qua thôn Sài ra đến ngã 3 giao với Quốc lộ 70, rồi từ đó đi lên thị trấn Phố Ràng.
Bình oxy từ Trạm Y tế xã Phúc Khánh không đủ, phải qua xã Lương Sơn tiếp tế thêm cho các nạn nhân.
Đường sá chia cắt, điện mất, thông tin liên lạc không có, những nạn nhân đầu tiên phải tầm trưa mới đưa được ra đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.
"Có người trong dạ dày đầy bùn đất", một y tá ở bệnh viên nói đầy thương tâm.
Những người chấn thương nhẹ được điều trị ngay tại bệnh viện huyện, nơi cũng vừa bị ngập lụt suốt mấy ngày qua. Người bị nặng được chuyển lên tuyến trên.
Bác sỹ Phạm Hồng Việt – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã điều động một kíp cấp cứu lưu động gồm 6 người lên thẳng Làng Nủ để cứu người. Trong ngày 10/9, nhiều nạn nhân từ Làng Nủ đã đến được bệnh viện, đến nay đã có 17 người được cứu sống.
Không có may mắn như vậy, đến chiều 11/9, 31 nạn nhân được xác định đã tử vong do lũ quét ở Làng Nủ, còn đến 65 người mất tích.
Những chiếc áo quan cứ lần lượt được chuyển đến Làng Nủ trong tận cùng nỗi đau. Những cái tên lần lượt được gào lên bởi người thân của nạn nhân. Ở một góc khác, một số người đầu giờ chiều mới đến hiện trường cố tìm tên người thân của mình trong danh sách đã được tìm thấy chưa.
Khi nạn nhân thứ 31 được tìm thấy, lẫn tiếng khóc là những tiếng xôn xao "chỉ mong làm sao tìm được bố, mẹ, con dâu, con rể, các cháu".
"Mẹ cháu được tìm thấy rồi, mọi người cuốn chiếu, đưa đi đâu rồi", giọng nói hồn nhiên của một cô bé tầm 3 – 4 tuổi khiến cho những người xung quanh không cầm được nước mắt.
Trên đường làng, vẫn còn những người tất tả chạy hướng về phía Nhà văn hóa thôn Làng Nủ để tìm người thân.
"Bố, chị gái, anh rể, cả chú, cả thím, các cháu... chả thấy đâu nữa, nhiều lắm, giờ chưa đếm được", chị Nguyễn Thị Tâm vừa khóc vừa nói.
Những chiếc áo quan lần lượt được di chuyển khỏi Nhà văn hóa Thôn Làng Nủ. Bà H.T.T bấn loạn không biết phải làm gì khi ngồi cạnh hai cỗ quan tài: Con dâu và một người cháu 15 tuổi.
Còn hai người cháu 2 tuổi và 10 tuổi vẫn chưa thấy đâu. Con trai bà đang nằm viện sau nỗ lực cứu vợ con bất thành.
Một tấm bạt lớn cùng vài cọc tre dựng lên làm nhà đám che mưa cho hai cỗ áo quan. Hàng xóm xung quanh giúp bà T làm đám. "Nhà nghèo, con tôi hứa giúp mẹ bỏ nhà cũ, làm nhà mới nhưng giờ nhà mất, người cũng chẳng còn", bà T khóc.
Ngồi từ trong nhà bà T nhìn ra đường, thi thoảng lại thấy những cỗ áo quan được khiêng từ hiện trường đi ra. Tang thương bao trùm, những ngày này, Làng Nủ có đại tang.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, Trung tướng Phạm Hồng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn. Hơn 500 người được điều động, phân ca kịp để tìm kiếm các nạn nhân.
3 kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng hiện đang cùng bệnh viện địa phương túc trực, cấp cứu người bị thương. Tại thôn Làng Nủ, 1 kíp y, bác sĩ trực, sẵn sàng cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các nạn nhân về Bệnh viện huyện điều trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.