Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phóng viên Hoàng Chiên - Báo Điện tử Dân Việt tại hiện trường vụ lũ quét Làng Nủ sáng nay 11/9.
Từ sáng 11/9, khi PV Dân Việt có mặt tại hiện trường, một số người dân có người thân mất tích trong vụ lũ quét Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã có mặt tại đây. Tiếng khóc rấm rức át tiếng mưa rơi lộp độp ở sân Nhà văn hóa thôn.
Mưa ngày một nặng hạt hơn cũng không ngăn được dòng người đổ về tìm người thân.
Cứ vài phút, lực lượng chức năng lại đưa ra một thi thể nạn nhân. Dòng người mặc áo mưa đứng ở hiên nhà ào tới, nhận xem có phải người thân của mình hay không. Tiếng khóc than vang lên khi có người nhận thấy họ hàng của mình, gào gọi tên người thân.
"Bên ngoại nhà anh chết gần hết, 12 người, có 4 người bị thương", một người dân xã Phúc Khánh thất thần nói với chúng tôi.
Ông Hoàng Trung Sản – người dân xã Lương Sơn, kề bên Làng Nủ (xã Phúc Khánh) dậy từ sớm để sang hiện trường ngóng tin người thân. Mỗi lần nhìn thấy thi thể đắp chiếu được đưa ra hiện trường, lòng ông thắt lại.
Ông Sản cũng như nhiều người dân khác mong có phép màu xảy đến với người thân của mình. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến thế này, đau đớn quá", ông Sản nói ngắn gọn.
Đứng quan sát lực lượng chức năng cứu hộ, bà Hoàng Thị Lượng – người dân xã Lương Sơn mong có thể cứu được thêm nạn nhân, dù biết rằng điều này vô cùng khó.
Nhà bà Lượng ở ngay đối diện khu vực sạt lở. Sáng hôm qua, bà Lượng cùng người dân trong khu vực đã cứu được một số người bị nạn.
Trao đổi bằng tiếng dân tộc Tày với phóng viên, bà Hoàng Thị Lượng kể: "Khoảng 5h30 ngày 10/9, tiếng nổ ầm ầm trên núi. Sau 2 phút đất đá bắt đầu sạt lở xuống ngôi làng san phẳng nhà cửa".
Khi đất đá ập xuống, bà thấy một số người bị trôi ra, họ bị bùn đất phủ đầy người nên không biết ai.
Vợ chồng bà gọi nhưng thấy nạn nhân lắc đầu, bà đã cầm đoạn cây kéo nạn nhân đó lên, cùng lúc đó đợt sạt lở thứ hai bắt đầu khi đất đá lại tiếp tục ầm ầm trôi xuống. May mắn gia đình bà Lượng đã kéo được nạn nhân đó lên và cùng chạy.
Sau đó, bà Lượng cùng chồng kéo thêm một nạn nhân 8 tuổi lên nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong.
"May cho gia đình tôi đã kịp chạy trước khi đất đá sập xuống hoàn toàn", bà Lượng chưa hết sợ hãi khi kể với chúng tôi.
Huy động toàn lực, điều động thêm chiến sỹ đến hiện trường lũ quét Làng Nủ
Từ hiện trường, nhóm PV Dân Việt liên tục cập nhật thông tin gửi về tòa soạn. Rất tiếc, trong buổi sáng hôm nay, chưa có thông tin nào may mắn đến với các nạn nhân vụ lũ quét ở Làng Nủ.
Có mặt tại hiện trường từ sáng sớm, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có mặt từ sáng sớm để điều hành công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trả lời phỏng vấn tại hiện trường Làng Nủ.
Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: "Đây là thiệt hại rất lớn đối với tỉnh Lào Cai, chúng tôi đang tập trung tất cả các lực lượng, hiệp đồng để tìm kiếm một cách hiệu quả nhất. Là địa bàn rất khó khăn, bị chia cắt, chúng tôi sẽ khôi phục lại các điều kiện cần thiết nhất theo thứ tự ưu tiên, tập trung cao cho công tác tìm kiếm, cứu nạn".
Cuối giờ sáng 11/10, Trung tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2 cũng đã đến hiện trường để phối hợp chỉ đạo công tác cứu hộ. Trung tướng Chương cho biết, ngay sau ông là hơn 300 chiến sỹ từ Quân khu 2 được điều động để phối hợp cứu hộ cứu nạn. Do địa hình giao thông chia cắt nên lực lượng đến sau. Đến gần trưa, các chiến sỹ Sư đoàn 316 đã có mặt.
Nhà văn hóa Thôn Làng Lủ trở thành nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn. Các phương án liên tục được đưa ra bàn thảo, bên ngoài hiện trường, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm từng nạn nhân.
Do đường vào thôn Làng Nủ bị ách tắc, đặc biệt là khu vực bị lũ quét, nhân dân bị cô lập hoàn toàn. Do đó, quyết tâm của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Lào Cai là mở đường để đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn.
Theo đó, 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin.
Chiều 11/9, đoàn chiến sỹ, người dân vẫn không ngừng đào bới, tìm kiếm các nạn nhân còn trong bùn đất. Mưa nặng hạt vẫn chưa ngừng rơi ở Làng Nủ.
Làng Nủ có tổng số hộ: 37 hộ, 158 nhân khẩu. Theo thông tin cập nhật đến trưa hôm nay (11/9): Trong số 158 nhân khẩu, người trên 70 tuổi: 03 người; Trẻ dưới 6 tuổi: 18 người; Trẻ dưới 14 tuổi: 14 người; Đã chết: 30 người; Đang điều trị: 17 người; Đã an toàn: 46 người; Chưa xác định (mất tích): 65 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.