Đắk Lắk: Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển của tỉnh
Thùy Duyên
Thứ năm, ngày 21/09/2023 12:35 PM (GMT+7)
Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Sáng 21/9, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết các hoạt động chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong hơn 2 năm qua đạt nhiều kết quả quan trọng: Về chính phủ số, hầu hết các bộ/tỉnh đã công bố dịch vụ công trực tuyến toàn trình; kinh tế số đến hết quý 2 đạt gần 14,96% GDP; xã hội số, người dân ngày càng làm quen các dịch vụ số. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 đạt 0,7111, tăng trưởng 16,4% so với năm 2021 (0,6110) và tăng trưởng 46,4% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị
Đối với tỉnh Đắk Lắk, theo đánh giá chỉ số chuyển đổi số quốc gia 2022, các chỉ số chuyển đổi số đều có tăng so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Cụ thể năm 2022, chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố.
Theo UBND tỉnh, sau 02 năm thực hiện công tác chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, 08/18 chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn (chiếm tỷ lệ 44,4%); 07/18 chỉ tiêu đang trong quá trình triển khai thực hiện (chiếm tỷ lệ 38,9%); 03/18 chỉ tiêu khó hoàn thành (chiếm tỷ lệ 16,7%).
Hạ tầng số của tỉnh tiếp tục được phát triển, duy trì đảm bảo hoạt động phục vụ phát triển chính phủ số, bảo đảm thông suốt các cấp chính quyền. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung được kết nối đến 100% các sở, ban, ngành, địa phương, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng truyền dẫn căn bản để kết nối giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước.
Tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp 1.637 thủ tục hành chính, trong đó có 491 DVCTT một phần, 681 DVCTT toàn trình với khoảng 3.853 cán bộ công chức thường xuyên sử dụng; Tổng số hồ sơ được tiếp nhận từ ngày 1/1/2021 đến 27/7/2023 trên hệ thống đạt 2.587.362 hồ sơ, trong đó có 474.573 hồ sơ được người dân/doanh nghiệp nộp trực tuyến (trong đó hồ sơ một phần: 196.085 hồ sơ; hồ sơ trực tuyến toàn trình 278.488 hồ sơ).
Kinh tế số tỉnh bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến ngày 15/6/2023, tỉnh Đắk Lắk có 1.678 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.923 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 05 toàn quốc; Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 257.959 hộ, đạt 43%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Về xã hội số, các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử... Trên địa bàn tỉnh có 188/188 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định. Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác 1.954.846 người (một người có nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau), đạt tỷ lệ 139,5% (1.954.846/1.399.044). Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 101,9% (1.954.846/1.918.440). Triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại 14/21 các bệnh viện và Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh đánh giá, công tác chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 còn một số tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ nhân lực tham mưu, triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước rất hạn chế, thiếu chính sách thu hút, đãi ngộ; hạ tầng kỹ thuật ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, xuống cấp, không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, người dân còn thiếu trang thiết bị số, kỹ năng số để tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số; việc chia sẻ dữ liệu từ các nền tảng, hệ thống của các cơ quan trung ương với địa phương vẫn còn khó khăn …
Phát biểu bế mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động, quyết liệt chỉ đạo tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh cả 3 trụ cột chuyển đổi số, phải đi vào thực chất, tập trung dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các lĩnh vực trọng tâm, thiết yếu..
Ông Nguyễn Nguyễn Tuấn Hà cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin phối hợp triển khai các giải pháp chuyển đổi số, bám sát tình hình thực tế của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.