Trước đây, chỉ có những chủ nương mì mới nghĩ đến chuyện đào sùng với mục đích chủ yếu là tiêu diệt loại côn trùng chuyên gây hại mùa màng cho vụ sau.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sùng trở thành món đặc sản ở các nhà hàng nên rất có giá. Vậy nên đợi đến mùa, ai cũng tranh thủ đi bắt.
“Trước kia, săn sùng về chỉ để cho gà ăn nên những lúc rảnh bà con mới đi đào. Còn bây giờ, săn sùng, nông dân chúng tôi được lợi kép, vừa góp phần bảo vệ mùa màng, lại có thu nhập cao, không gì vui hơn”, ông Trần Văn Ngọc (ngụ xã Hành Tín Đông) cho biết.
Trời vừa tờ mờ sáng, hàng đoàn người gồm đàn ông, phụ nữ, người già, con nít ở xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây kéo nhau đi về các vùng đất soi ven sông Phước Giang.
Họ đi thành nhóm, mỗi nhóm vài ba người. Đến khi mặt trời ló rạng thì những bãi bồi ven sông tập trung "quân số" săn sùng đất không dưới 100 người.
Nông dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi săn con sùng đất về chế biến thành các món đặc sản bổ dưỡng.
Đồ nghề đào sùng đất rất đơn giản, mỗi người chỉ cần mang theo 1 cái cuốc và 1 chiếc xô nhựa chứa sẵn một ít nước.
Ra đến nơi, những người săn sùng đất dàn hàng ngang, những lưỡi cuốc vươn cao, bập xuống liên hồi trên vùng đất mênh mông. Thế là những con sùng nung núc sữa trồi lên. Những thợ săn sùng đất cúi xuống nhặt, dùng 2 tay ngắt ruột con sùng rồi bỏ ngay vào chiếc xô nhựa đựng nước.
Theo chị Hồ Thị Tuyền (ngụ xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), người đào giỏi thì mỗi ngày cũng bắt được từ 2 - 3kg sùng, có khi còn nhiều hơn; người ít thì cũng được 1kg. Một điều kỳ lạ là ở vùng đất người ta đào tìm sùng rồi nhưng vài ngày sau xới đất trở lại vẫn tìm được nhiều con sùng to tròn. Chính vì vậy mà người tìm sùng cứ đào bới đất nhiều lần, không cho một cây cỏ nào mọc được.
Món ăn giàu chất dinh dưỡng...
Theo Từ điển “Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” của tác giả Võ Văn Chi, (Nhà xuất bản Y học 1998), sùng đất là ấu trùng của loài bọ hung Holotrichia Sauteri Moser, thuộc họ Sùng đất - Melonihidae.
Khi phơi khô, ấu trùng có tên là Tề tào, vị mặn, có tác dụng phá huyết, hành ứ, tán phong bình suyễn, thông sữa, minh mục khu ế.
Tề tào dùng trị vết thương té ngã ứ huyết, đau phong, phá thương phong, đau họng, mắt có màng, ung nhọt, lở trĩ. Dùng uống ở dạng hoàn tán, dùng ngoài tán bột rắc hoặc giã đắp.
Những ngày chớm đông, sùng đất được xem là món ăn ngon, bổ dưỡng và khá thú vị cho những ai được một lần thưởng thức.
Con sùng đất, sau khi bắt về, trước tiên là rửa cho sạch, trong khi rửa phải chú ý nhẹ tay, nếu không lớp mỡ bên trong sẽ bị chảy ra, làm sùng không còn giữ được độ béo. Sau khi để ráo nước chừng 3 phút, ướp sùng với gia vị. Sùng đất không “kén” gia vị tẩm ướp, chỉ cần những món thông thường như tiêu, ớt, tỏi, sả và một ít nước mắm pha sẵn.
Từ công đoạn này, sùng được chế biến ra nhiều món khác nhau như: sùng đất nướng vỉ, sùng xào nghệ, sùng xào sả ớt, sùng chiên bột…
Ở các nhà hàng, quán nhậu, món sùng đất nướng vỉ là khoái khẩu của những người sành ăn.
Trong khi nướng, chủ quán thường trở sùng đều tay để sùng không bị cháy xém. Sùng đất nướng ăn kèm với lá mơ, xà lách hay lá lốt non tùy theo sở thích của người ăn. Vị ngọt, dai, giòn và béo tan chảy ngay ở đầu lưỡi khiến những ai một lần được thưởng thức sẽ rất khó quên.
Tuy vẻ bề ngoài nhìn gớm ghiếc nhưng sùng đất giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, nhiều người còn gọi sùng đất là hải sâm trên cạn. Đặc biệt, cánh đàn ông cho rằng, sau khi ăn sùng đất thì “tăng sức mạnh đàn ông”. Cũng vì vậy mà họ gọi vui sùng đất là loại “xuân dược” nghìn năm tráng kiện.
Ông Đào Thanh Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Trong những năm gần đây khi sùng đất bắt đầu lên ngôi, các nhà hàng, quán nhậu ở tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là TP Quảng Ngãi đến tận nơi để thu mua với giá cao đã giúp nhiều nông dân có thu nhập thêm đáng kể. Vùng đất ven sông Phước Giang được biết đến là thủ phủ của sùng đất, những thửa đất hoa màu phù sa màu mỡ là nơi có nhiều sùng đất trú ngụ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.