Đăng tin giả về việc Việt Nam sắp sáp nhập tỉnh thành, có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 29/11/2024 15:43 PM (GMT+7)
Bộ Nội vụ khẳng định thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sắp xếp, sáp nhập tỉnh ở Việt Nam là không chính xác.
Bình luận 0

Xem xét, xử lý việc đưa thông tin không đúng về sáp nhập tỉnh, thành

Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là thông tin không đúng.

Ông Minh cho biết, hiện Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Thông báo về kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua cũng xác định "đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đồng thời, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Đăng tin giả về việc Việt Nam sắp sáp nhập tỉnh thành, có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là không đúng. Ảnh: MXH

Ông Minh nêu rõ những thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật, nên nếu đưa lên mạng là sai quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và ai vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan nội dung này, người phát ngôn Bộ Nội vụ đã có trao đổi với phía Bộ Công an đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa các thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

Đưa tin giả bị xử lý ra sao?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, thông tin bất ngờ, giật gân về việc nhiều tỉnh thành gộp lại với nhau đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy đây là thông tin bịa đặt, sai sự thật, có thể gây hoang mang cho nhiều người và tác động tiêu cực đến tâm lý, việc làm, cư trú của công dân.

Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định thông tin này là giả mạo. Bởi vậy, người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất của sự việc và hậu quả xảy ra.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc và sẽ sớm xác minh làm rõ nguồn gốc thông tin và những người cố tình đưa tin sai sự thật để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, người đưa tin sai sự thật ít nhất cũng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Những người nhận thức là thông tin sai sự thật nhưng vẫn chia sẻ thông tin này cũng bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt cao nhất có thể tới 10 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin, cải chính công khai, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đưa thông tin sai sự thật với động cơ chính trị hoặc hậu quả của hành vi đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức cá nhân, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ điểm khởi phát nguồn tin, truy tìm các dấu vết trên không gian mạng, làm rõ người nào làm phát tán đầu tiên, động cơ là gì, đánh giá hậu quả gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý.

Vị chuyên gia cho rằng, người dân không nên vội vàng tin theo những thông tin một chiều trên mạng xã hội. Việc quyết định những vấn đề lớn liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước, quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương…đều phải lấy ý kiến của người dân, phải có điều tra khảo sát, đánh giá tình hình, trên cơ sở luận chứng khoa học và thực hiện quy chế dân chủ rồi mới quyết định theo thẩm quyền, trình tự.

Vì vậy, không có chuyện qua một đêm mà địa giới hành chính không còn nữa, người dân không biết gì về việc chia tách, sáp nhập đó. Trước những thông tin mới, chưa được kiểm chứng, cần phải tìm kiếm những thông tin khác để xác nhận, chỉ khi nào các cơ quan truyền thông chính thống của Nhà nước đăng tin mới có thể tin tưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem