Đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài đến khai thác
Đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài đến khai thác
Nguyễn Thụy
Thứ ba, ngày 19/09/2023 12:50 PM (GMT+7)
Cuộc đua để giành giá trị cao hơn từ đất hiếm ở các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam ngày càng gay gắt vì xuất thô loại khoáng sản quý hiếm này không đem lại nhiều ngoại tệ như mong đợi, không thúc đẩy phát triển công nghệ.
Một số công ty sản xuất đất hiếm đa quốc gia đang chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam, nơi có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác đứng sau trữ lượng Trung Quốc và ngành khai thác chế biến vẫn còn rất mới. Trung Quốc đang là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, ước tính chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu.
Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Myanmar đã có những động thái cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực này vì các nguyên tố đất hiếm được sử dụng để sản xuất chip bán dẫn, xe điện, tua-bin điện gió, điện thoại thông minh, vũ khí.
Tại Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim ngày 11/9 cho biết Chính phủ Malaysia sẽ cấm xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đất hiếm thông qua đầu tư từ các công ty. Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh lệnh cấm này sẽ "đảm bảo mang lại lợi nhuận tối đa cho đất nước", nhưng chưa công bố ngày hiệu lực của quyết định.
Trước mắt, Malaysia sẽ lập bản đồ chi tiết các nguồn nguyên tố đất hiếm và lập kế hoạch toàn diện để xác định cách khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên này, theo báo New Straits Times của Malaysia.
Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Malaysia có trữ lượng đất hiếm ước tính khoảng 30.000 tấn, ít hơn nhiều so với 44 triệu tấn tại Trung Quốc. Năm 2022, cơ quan này ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn; và năm nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế là Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (12 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Tuy nhiên, ngành đất hiếm có thể đóng góp tới 9,5 tỷ ringgit (2 tỷ USD) vào GDP của Malaysia vào năm 2025 và tạo ra gần 7.000 việc làm, theo lời Thủ tướng Ibrahim. Từ tháng 1-7/2023, chỉ khoảng 8% quặng đất hiếm của Malaysia được xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi đang đứng đầu thế giới về sản lượng xe điện.
Đi trước Malaysia, Indonesia những năm gần đây khuyến khích mạnh mẽ quá trình phát triển của ngành này ở xứ vạn đảo thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô từ quặng. Chiến lược của Indonesia gồm cấm xuất khẩu quặng nickel từ năm 2020 nhằm khuyến khích các công ty nước tăng đầu tư sản xuất tại chỗ.
Myanmar quyết định đóng cửa vô thời hạn từ ngày 4/9/2023 các mỏ ở vùng Pangwa thuộc bang Kachin, là nơi cung cấp đất hiếm lớn nhất Myanmar để kiểm tra toàn bộ đến khi có quyết định tiếp theo. Không lâu trước đó, Trung Quốc trong tháng 7 bắt đầu hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại dùng trong sản xuất chất bán dẫn. Hiện nay, Trung Quốc đang khuyến khích ngành xe điện sử dụng chip bán dẫn và nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào cung ứng từ nước ngoài.
Đất hiếm là loại khoáng sản được Trung Quốc dùng làm công cụ trong thương mại quốc tế. Năm 2010, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và do đó báo chí Nhật hay dùng cụm từ "cuộc chiến khoáng sản" để nói về động thái trên vì Nhật Bản là nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung các khoáng sản từ Trung Quốc.
Sau đòn hạn chế trên, Nhật phải tìm kiếm nguồn cung đất hiếm từ Australia và một số nước khác. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 tháng 4/2023 vừa qua, Nhật và các thành viên G7 khác muốn hợp tác xây dựng mạng lưới cung ứng các khoáng sản quan trọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì vậy họ thành lập một quỹ chung trị giá 13 tỷ USD để cùng hỗ trợ khai thác những mỏ khoáng sản và các dự án liên quan.
Việt Nam thu hút doanh nghiệp ngoại
Giới khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai, nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, và Việt Nam đang thu hút các công ty nước ngoài đến khai thác.
Công ty Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc, nhà cung cấp nam châm (làm từ đất hiếm) cho Hyundai Hàn Quốc và VinFast để làm xe điện, đang đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam; kế hoạch sẽ bắt đầu sản xuất trong năm 2024.
Theo thông tin từ tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư dự án tên là Công ty TNHH SGI Vina, địa chỉ dự án tại lô số 25, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam; tổng diện tích khu đất thực hiện dự án là 170.000 m2. Công suất thiết kế ban đầu của nhà máy là 1.600 tấn nam châm từ tính/năm.
Dự án này đặt mục tiêu đến 2025 đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm cao cấp mỗi năm, đủ để sản xuất khoảng hai triệu xe điện, theo Reuters.
Baotou INST Magnetic (Trung Quốc) dự kiến bắt đầu hoạt động một nhà máy nam châm thuê ở phía bắc Việt Nam trong tháng 9 hoặc 10 năm 2023. Tuy nhiên đến nay, chưa thấy công ty công bố địa điểm của nhà máy.
Baotou INST Magnetic là công ty nam châm lớn chuyên về thiết kế mạch và được ông lớn công nghệ Apple đưa vào danh sách nhà cung cấp của Apple năm 2021. Bên cạnh đó, Foxconn và Luxshare cũng sản xuất các sản phẩm điện tử cao cấp chứa nam châm từ đất hiếm cho Apple như máy tính xách tay MacBook và máy tính bảng iPad.
Tháng 12/2022, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) ký kết hợp đồng hợp tác khai thác, xuất khẩu đất hiếm với Công ty Korean Strategic Materials Metals (KSM) ở Hàn Quốc và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. Theo đó, VTRE khai thác mỏ đất hiếm Yên Phú ở Yên Bái để chế biến và dự kiến mỗi năm xuất khẩu 1.000-2.000 tấn.
Theo đối tác KSM, công ty này cần VTRE cung cấp 1.000 tấn đất hiếm thành phẩm/năm trong thời gian đầu, sau đó tăng lên 2.000 tấn/năm. KSM thuộc tập đoàn Australian Strategic Materials Limited (ASM) của Úc; ASM khai thác đất hiếm và các khoảng sản khác ở bang New South Wales (Úc) và đem qua Hàn Quốc để chế biến thành thành phẩm.
Ông Kim Young Hwan, tỉnh trưởng Chungcheongbuk-do, nơi chiếm 50% sản lượng sản xuất pin của Hàn Quốc, cho biết tại thời điểm ký kết rằng do Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine nên chuỗi cung ứng nguyên liệu, trong đó có đất hiếm, bị đứt gãy. Do đó, Việt Nam trở thành nguồn cung thay thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.