Đấu giá đất Thanh Oai: Không sang tay "gấp", nhiều lô đất có thể bị bỏ cọc?
Thái Nguyễn
Thứ hai, ngày 12/08/2024 12:27 PM (GMT+7)
Nhiều lô trúng giá cao tại phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai đang "tích cực" rao bán chênh hàng trăm triệu đồng, nhưng mức giá quá cao so với thị trường sẽ khó thanh khoản và dẫn đến bỏ cọc.
Đấu giá đất Thanh Oai 2024 có dấu hiệu "cắt lỗ" hay là chiêu trò?
Sau phiên đấu giá đất Thanh Oai 2024, nhiều lô đất đấu trúng giá cao ngay lập tức được bán lại cùng với giá chênh lệch từ 200 - 500 triệu đồng. Ví dụ, lô đất Lk05-5 có diện tích 85 m2 với giá trúng gần 55 triệu đồng/m2, tương đương hơn 4,6 tỷ đồng được rao bán chênh thêm 500 triệu đồng. Lô đất này trong nhóm có giá trúng thấp hơn so với các lô đất khác cùng khu vực.
Với các thửa đất thuộc 3 dãy phía ngoài, giáp mặt đường lớn gồm LK01, LK02 và LK03 có mặt bằng giá trúng cao hơn cả, trong đó có lô hơn 100 triệu đồng/m2. Cụ thể, giá trúng các thửa đất tại dãy LK01 dao động khoảng gần 69 - 92,2 triệu/m2; dãy LK02 dao động 82,7 - 89,9 triệu/m2 và dãy LK03 khoảng 74,3 - 100,5 triệu/m2. Những lô đất này cũng đang được nhiều môi giới rao bán chênh hàng trăm triệu đồng. Trong đó, lô trúng giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2 được một số môi giới rao bán chênh 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một môi giới bất ngờ rao bán lô đất LK04-2 rộng gần 61 m2 với giá bán 4,1 tỷ đồng (tương đương gần 68 triệu đồng/m2). Trong khi, lô đất này có giá trúng gần 70 triệu đồng/m2, tương đương hơn 4,24 tỷ đồng. Nếu bán thành công thì người trúng đấu giá sẽ lỗ khoảng 140 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi PV Dân Việt nhập vai vào người hỏi mua lô đất LK04-2 thì người môi giới này lại "quay xe" báo lại với lý do chủ lô đất muốn tăng giá, rồi sau đó lại không muốn bán.
Anh Toàn Thắng, nhà đầu tư bất động sản nhiều năm kinh nghiệm cho biết, trong phiên đấu giá đất Thanh Oai 2024 vừa rồi, nhiều người trúng đấu giá lập tức sang tay ngay với giá chênh vài trăm triệu đồng. Một số trường hợp sau khi đạt được mục đích tạo mặt bằng giá trúng cao hơn với giá đất xung quanh sẽ sang tay ngang giá, thậm chí "cắt lỗ" ngay lập tức để dò xem nhu cầu thị trường.
"Đấu giá đất chủ yếu là cuộc chơi của nhà đầu tư, đầu cơ. Do vậy, các chiêu trò được sử dụng cũng chỉ nhằm mục đích kiếm lời. Nhiều nhóm người ôm đất sẽ thông qua các phiên đấu giá trong khu vực để đẩy giá tạo mặt bằng cao hơn. Còn những lô đất đấu trúng nếu không bán được sớm, nhiều người sẽ bỏ cọc", anh Thắng chia sẻ.
Nghi ngại tình trạng bỏ cọc sau phiên đấu giá đất Thanh Oai
Anh Đ.T, môi giới bất động sản huyện Thanh Oai cho rằng, giá đất trong khu vực huyện thời điểm sốt đất năm 2021 cũng chỉ rao bán từ 30 - 45 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá. Từ đó đến nay, giá đất giảm mạnh, chủ yếu ở mức từ 20 - 30 triệu đồng/m2, một số vị trí đẹp hơn cũng chỉ đến 40 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch hạn chế.
"Tôi thấy giá đất ảo quá. Nhìn vào vị trí và hiện trạng xung quanh khu đất, giá trúng cao nhất chỉ đến mức 60 triệu đồng/m2 đã là cao hơn so với giá trị thực. Với mức giá trúng chủ yếu từ 80 - 90 triệu đồng/m2 nếu chủ đất không chuyển nhượng sớm thì có khi phải ôm đất vài năm tới và dễ xảy ra tình trạng cắt lỗ trong tương lai.
Anh Đ.T cũng nhận định không loại trừ khả năng có thể xảy ra việc bỏ cọc khi giá trúng thực tế "quá ảo". Với mức giá này có thể đầu tư đất tại những vị trí đẹp hơn ở quận Hà Đông, nơi có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giá trúng đấu giá lên tới 100 triệu đồng/m2 đã phản ánh "sức nóng" của thị trường đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội. Tuy nhiên, xét về giá trị thì mức giá lại quá cao vì hạ tầng xã hội xung quanh khu đấu giá lại hạn chế.
"Nguyên nhân giá cao phi thực tế là do đội cò làm giá, sau khi ôm đất trước đó thì hét giá để tạo mặt bằng mới nhằm đem bán các khu đất xung quanh đã đầu tư để thu lời. Khả năng bỏ cọc là có vì mục đích chính đã đạt được thì việc bỏ cọc vài trăm triệu không thể so với lời lãi nếu bán được đất xung quanh với giá gấp nhiều lần", ông Thịnh nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.