Điều dưỡng Phương Thị Hương, khoa Nội cơ xương khớp (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần trong đời có đau lưng, đau cột sống.
Đau lưng có thể khiến bệnh nhân lo lắng, thậm chí đau có thể xuất hiện với mức độ rất dữ dội, nhưng phần lớn đau cột sống thắt lưng theo tiến trình tự nhiên có thể tự hết trong vòng vài tuần.
Các nguyên nhân gây đau lưng
Theo điều dưỡng Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau lưng, nhưng trong nhiều trường hợp sẽ rất khó khăn để tìm ra ngay lập tức nguyên nhân.
Đau cột sống thắt lưng có thể do căng kéo cơ và các tổ chức phần mềm cạnh sống sau một vận động quá tầm và quá sức, ví dụ phải nâng các vật nặng hoặc cúi lưng xách đồ trong một thời gian nhất định.
Đau cột sống thắt lưng có thể do nguyên nhân khác như Đĩa đệm: phình, thoát vị đĩa đệm; Các khớp vùng cột sống thắt lưng: viêm các khớp liên mấu, cùng chậu…; Các tổn thương thoái hóa xương gây chèn ép rễ thần kinh lân cận; Một thân đốt sống nằm lệch khỏi vị trí bình thường; Hẹp ống tủy sống; Loãng xương, xẹp thân đốt sống; Chấn thương cột sống; Nhiễm khuẩn, lao hoặc ung thư (thường ít gặp hơn)...
Khi nào đau lưng cần đi viện?
Theo điều dưỡng Hương, người dân đau cột sống thắt lưng, cần đi viện để chẩn bệnh khi bị đau lưng, kèm theo các triệu chứng:
- Gần đây có ngã hoặc chấn thương ở vùng cột sống thắt lưng
- Tê bì và yếu hai chân
- Rối loạn đi tiểu tiện và đại tiện
- Giảm cân nhanh không thể giải thích bằng những nguyên nhân khác
- Sốt hoặc yếu mệt
- Có sử dụng các thuốc Corticoid như Prednisone, Medrol kéo dài
- Có đái tháo đường hoặc các bệnh khác gây suy yếu miễn dịch cơ thể
- Có tiền sử ung thư hoặc loãng xương
- Đau lưng quá mức mà bạn không thể tự phục vụ được bản thân
- Đau lưng kéo dài trên 4 tuần mà không thấy có sự cải thiện
"Nếu mức độ đau lưng không quá mức, người bệnh vẫn nên duy trì các hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng thường ngày. Nếu đau quá nhiều, người bệnh có thể nghỉ ngơi từ 7-10 ngày. Nhưng cần quay lại vận động đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng sớm nhất có thể. Cũng cần tránh các vận động quá mức, quá tầm: mang vác, xách nặng, …
Ngoài ra, người bệnh cần chườm ấm lưng nhưng chú ý không được nóng quá khiến da bị bỏng. Nếu đau quá có thể dùng 1 số thuốc giảm đau có thể tự sử dụng ở nhà như paracetamol hoặc ibuprofen; Matxa và châm cứu...
Nếu đau lựng nặng cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách", điều dưỡng Hương chia sẻ.
Cách vận động đúng để tránh bị đau lưng trở lại
Điều dưỡng Hương cho biết, để hạn chế đau lưng, đau cột sống trở lại, người dân cần: - Bạn nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nhất là các động tác nâng hoặc xách đồ nặng, thay đổi tư thế đột ngột.
- Khi nâng đồ vật, cần dang rộng 2 chân; ngồi xổm xuống ở tư thế gập khớp gối và khớp háng, cột sống không cúi gập; sau đó dùng tay bê đồ vật vào sát bụng đồng thời căng cơ bụng; từ từ đứng dậy và nâng đồ vật lên.
- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng hoặc stress liên tục.
- Những người làm công việc văn phòng cần chọn ghế ngồi có chiều cao phù hợp (đảm bảo hai bàn chân thoải mái chạm sát vào sàn), cứ sau 1 – 2 giờ nên đứng lên vận động, thực hiện vài động tác nhẹ nhàng để cột sống thắt lưng được thư giãn.
- Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao, các bài tập về cột sống phù hợp với từng lứa tuổi.
- Kiểm soát cân nặng của mình để tránh bị thừa cân, tạo nên áp lực cho cột sống lưng.
- Bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt quan tâm đến canxi, magiê và kali trong các bữa ăn hàng ngày. Uống đủ nước giúp bạn tránh được các cơn đau thắt và hồi phục nhanh hơn.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh.
- Lưu ý các chất, thuốc gây giảm mật độ xương như corticoid, khi sử dụng cần phải được thăm khám và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.