Dạy nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng về chất

Nguyệt Tạ         Thứ năm, ngày 10/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sau gần 10 năm triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay cả nước đã có hơn 9,2 triệu lao động được đào tạo. Đáng nói hoạt động đào tạo nghề đã chuyển mạnh từ số lượng sang dạy nghề lấy chất lượng làm đầu.
Bình luận 0

Đã có 9,2 triệu lao động được học nghề

Cuối tuần qua, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTBXH đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2010 – 2019 và triển khai hoạt động đào tạo nghề trong giai đoạn mới.

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN cho biết, sau 10 năm (tính đến tháng 9/2019) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, đã có trên 9,2 triệu lao động được học nghề; trong đó có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% LĐNT học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Các địa phương đã thống kê có gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200.000 người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Tiến khẳng định, sau 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản. Lao động từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết nay đã chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, lao động có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

img

Dạy nghề thiến gà cho lao động nông thôn tại Hà Giang . Ảnh Minh Nguyệt

Nhiều khó khăn dạy nghề cho lao động yếu thế

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể như thiếu kinh phí, chương trình dạy nghề cho LĐNT thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của đề án do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch. Thêm vào đó, kết quả hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Ông Hà Văn Tuấn – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc đào tạo nghề cho LĐNT cần làm quy củ hơn và nên giới hạn lại các ngành nghề cho phù hợp với từng địa phương. Theo đó, mỗi địa phương nên gắn dạy nghề với những thế mạnh của địa phương, không để tình trạng đăng ký dạy nghề tràn lan.

“9 tháng đầu năm 2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong nước đã tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 1,25 triệu người. Ước cả năm 2019, cả nước tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt khoảng 1,75 triệu người, đạt 102,9% kế hoạch. Riêng đào tạo nghề cho LĐNT, sau 10 năm đã đào tạo nghề được cho 92 triệu lao động”.

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp

“Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Mặt khác việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp. Một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo...” – ông Tuấn nêu khó khăn.

Để giải quyết khó khăn, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với các ban ngành có liên quan và địa phương bố trí, giải ngân ngân sách để hoàn thành các chương trình đào tạo nghề năm 2020.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương gắn đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp; Đồng thời hướng việc đào tạo nghề phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với thực hiện "Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP". Bộ cũng xây dựng dự án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐNT, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Theo ông Minh, giai đoạn từ năm 2021-2025 chương trình đã đặt mục tiêu dạy nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó đào tạo có khoảng 1 triệu lao động nông th LĐNT ôn được đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng.  

                                        

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem