Nguyệt Tạ
Thứ ba, ngày 25/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Lào Cai đã quan tâm đầu tư cho dạy nghề nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, tỉnh đã nghiên cứu dạy nghề nông nghiệp trọng điểm và nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) là xã nghèo, nhưng nhờ học nghề mà nhiều nông dân trong xã đã ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cuối năm 2019, gần 40 nông dân đến từ các thôn của Nàn Sán được dạy nghề chăn nuôi thú y. Các học viên được hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi khoa học, theo chuẩn VietGAP, được học cách lựa chọn phân loại thuốc thú y. Anh Lù Văn Thắng ở thôn 3 cho biết, việc học nghề chăn nuôi giúp anh có thêm kiến thức mới để phục vụ chăn nuôi phát triển kinh tế.
"Kết thúc lớp học, tôi có khả năng nhận diện được các bệnh trên vật nuôi. Đặc biệt, tôi có thể tự lựa chọn thuốc điều trị bệnh cho vật nuôi mà không phải lặn lội lên tận thị trấn để gọi bác sĩ thú y kê đơn".
Anh Lù Văn Thắng
"Kết thúc lớp học, tôi có khả năng nhận diện được các bệnh trên vật nuôi. Đặc biệt, tôi có thể tự lựa chọn thuốc điều trị bệnh cho vật nuôi mà không phải lặn lội lên tận thị trấn để gọi bác sĩ thú y kê đơn" - anh Thắng nói.
Cô Lương Thị Mai - giảng viên lớp chăn nuôi thú y (Trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết, tâm lý chung của bà con nông dân là rất mong muốn tham gia lớp đào tạo nghề để học thêm kiến thức mới, áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức hạn chế, nhiều người không biết chữ nên việc dạy nghề gặp nhiều khó khăn.
"Vì vậy thay vì dạy các kiến thức trên sách vở, chúng tôi phải tập trung dạy nhiều hơn khâu thực hành, theo kiểu cầm tay chỉ việc. 100% các lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân đều được dạy ở thôn, bản. Thời gian học nghề cũng linh động, phù hợp với thời vụ, mùa màng của bà con" - cô Mai chia sẻ.
Ông Thèn Chử Cương - Phó Chủ tịch xã Nàn Sán cho biết, do được đào tạo nghề, nhất là nghề nông nghiệp trọng điểm như chăn nuôi thú y... mà bà con trong thôn xã đã mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của bà con trong thôn xã đã tăng lên, từ chỗ chỉ được 20 triệu đồng/năm giờ tăng lên 35 triệu đồng/năm. Nhiều hộ từng là hộ nghèo nay cũng vươn lên hộ khá giả.
"Mong muốn của bà con nông dân là được học thêm các nghề mới cho thu nhập cao. Ngoài dạy nghề bà con nông dân cũng mong muốn được học thêm kỹ năng bảo quản sản phẩm, kỹ năng tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm" - ông Cương nói.
Không riêng gì Si Ma Cai, thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng làm rất tốt công tác dạy nghề. Có thể kể tới như các lớp dạy nghề chăn nuôi thủy hải sản ở Bảo Yên; lớp dạy nghề trồng rau an toàn ở huyện Bảo Thắng...
Gắn dạy nghề truyền thống và phát triển du lịch
Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai có khoảng trên 5.000 lao động làm việc trong các làng nghề truyền thống. Đây đồng thời cũng là lực lượng lao động để phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tỉnh cũng đặt mục tiêu phải đào tạo nghề cho nhóm lao động này.
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho thấy, trong những năm gần đây tỉnh đã đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho 920 nông dân để làm nghề truyền thống ở làng nghề. Cụ thể, nghề chạm khắc bạc 34 học viên, nghề thêu thổ cẩm 570 học viên, nghề sản xuất và chế biến miến dong 131 học viên, nghề mây tre đan 185 học viên. Ngoài ra, đã đào tạo bồi dưỡng cho 100 nông dân sản xuất kinh tế giỏi để bổ sung lực lượng người dạy nghề, tham gia đào tạo lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề.
Việc đào tạo nghề được thực hiện lồng ghép trong các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; qua đó đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại các làng nghề như chạm khắc bạc, thêu thổ cẩm...
Bà Nguyễn Xuân Linh - Phó Trưởng phòng Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động dạy nghề trong các làng nghề cũng đang đối diện với khó khăn.
"Hiện chưa có các bộ giáo trình đào tạo các nghề hoàn chỉnh phục vụ cho đào tạo nghề ở các làng nghề (nấu rượu, làm hương, chạm khắc bạc...) nên việc đào tạo trong các làng nghề chủ yếu truyền dạy theo kinh nghiệm truyền thống. Lao động trẻ làm ở khu công nghiệp thiếu lao động ở làng nghề. Thêm vào đó nguồn vốn vay tín dụng cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn và các làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng cho việc phát triển cơ sở" - bà Linh nói.
Để giải quyết những khó khăn, theo bà Linh, thời gian tới tỉnh sẽ đầu tư kinh phí đồng bộ, hỗ trợ về đào tạo nhân lực và tạo việc làm ổn định cho lao động theo các tuyến du lịch của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.