Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân: Chuyên gia, doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng
Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân: Chuyên gia, doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng
An Linh
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 09:00 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa đề xuất 3 tháng xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 6 tháng hiện nay, xuống 3 tháng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cả doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm khác nhau.
Có khả thi khi 3 tháng điều chỉnh giá điện bình quân?
Tại Tờ trình gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó giảm giá bán lẻ điện khi giá điện bình quân giảm từ 1% so với giá bán lẻ điện hiện hành.
Đối với các mức điều chỉnh giá bán lẻ điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3-10% vẫn tương tự như Quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017 và đang được áp dụng.
Bên cạnh đó, thời gian xem xét điều chỉnh giá điện, tại Quyết định 24 hiện hành, Chính phủ quy định 6 tháng nhưng trong dự thảo Tờ trình này, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn xuống còn 3 tháng. Cơ sở và mục tiêu nhằm thực hiện chính sách giá điện bán lẻ bình quân sát thị trường các yếu tố đầu vào để làm cơ sở tính toán giá điện bán lẻ đến hộ tiêu dùng.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ. Đây là giá mua và bán điện giữa bên mua là EVN, các Tổng Công ty điện lực và bên bán điện là các đơn vị phát điện, tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng mua bán điện có ký hợp đồng với EVN và các đơn vị cung ứng điện.
Giá bán lẻ điện bình quân nằm trong khung giá (sàn - trần) do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mức giá bán lẻ điện bình quân không được vượt qua khung giá của Thủ tướng. Căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân, EVN sẽ xây dựng cơ sở để tính toán giá bán lẻ điện đến hộ tiêu dùng.
Thực tế, theo quan sát 16 năm qua từ năm 2007 đến năm 2023, giá điện bình quân đã trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó 11 lần tăng và 3 lần điều chỉ giữ nguyên (các năm 2013 - 2014, 2015 -2016 và năm 2017-2018).
Từ năm 2017, khi giá điện bình quân áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá bán điện bình quân xem xét 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm (2017-2023), giá điện bình quân mới trải qua 4 lần điều chỉnh, trong đó 2 lần điều chỉnh tăng (2019 và 2023).
Cụ thể, giá điện bán lẻ bình quân tăng từ mức 1.720 đồng/kWh (năm 2017 và năm 2018) lên mức 1.864 đồng/ kWh từ tháng 3/2019, mức tăng 144 đồng, tăng 8,3%. Đến tháng 5/2023, sau gần 4 năm kìm giá, giá điện mới được tăng lên 1.920,37 đồng/kWh, mức tăng tương ứng 55,9 đồng, tương đương 3%.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về điện, dù Quyết định 24/2017 quy định 06 tháng điều chỉnh giá điện một lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, song chưa khi nào thực hiện được.
Từ năm 2017 đến 2018, giá điện bán lẻ bình quân không tăng giữ nguyên mức 1.720 đồng/ kWh. Bước sang năm 2019, giá điện tăng 8,3% từ tháng 3/2019 và từ đó đến nay mới chỉ tăng duy nhất 1 lần vào tháng 5/2023, mức 3%.
Chính vì vậy, nhiều người am hiểu về thị trường điện cho rằng tốt nhất nên làm tốt Quyết định 24 là 6 tháng, sau khi xem xét, cân nhắc mới tính đến việc giảm Nếu sửa đổi hiện tại, quy định 3 tháng xem xét điều chỉnh giá điện một lần liệu có khả thi?
Điều chỉnh giá điện bình quân không phải căn cơ của ngành điện!?
Thực tế, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang có nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Phương án điều chỉnh giá điện thế nào cũng cần xác định rõ vấn đề là ngành điện phải được hoạt động theo cơ chế thị trường, không lỗ. Hiện nay giá mua điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng giá bán vẫn phải theo định giá của Nhà nước. Việc cởi bỏ cơ chế, nút thắt về thị trường sẽ có lợi cho ngành điện nói chung và EVN có tiền để tái đầu tư, trang trải khó khăn.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS, TS Trần Văn Bình, Đại học Bách Khoa ủng hộ phương án rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân 6 tháng xuống 3 tháng. Tuy nhiên, ông này đề nghị tuân thủ quy luật thị trường, khách quan trong xác định giá bán lẻ điện bình quân của EVN và giá bán lẻ điện của EVN đến hộ tiêu dùng.
Theo ông Bình, điều chỉnh 3 tháng thay vì 6 tháng hoặc điều chỉnh giá điện giảm ngay khi giá điện bán lẻ bình quân giảm 1%... về lý thuyết sẽ đưa cơ chế mua bán điện sang vận hành theo thị trường điện cạnh tranh, có tăng, có giảm.
Như vậy, vào mùa nước lũ, khi chi phí thủy điện sẽ giảm, lúc ấy giá điện sẽ phải giảm bán lẻ bình quân, từ đó giảm giá bán cho hộ tiêu dùng. Ngược lại, khi giá tăng, sẽ tăng. Nếu vận hành đúng, thị trường điện sẽ đi đúng hướng, không có chuyện lỗ do phát điện đâu bởi vì không phải khâu nào trong kinh doanh diện cũng lỗ do chi phí cả.
Về vì sao ngành điện không thể điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong 6 tháng như Quyết định 24 đang áp dụng, ông Bình phân tích: Thực tế điều hành giá điện không phải do lỗi ở chính sách, hay Quyết định 24/2017 mà do cách điều hành giá điện hiện nay không tuân thủ đúng với nguyên tắc thị trường. Tại sao 6 tháng không xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ được là bởi nếu EVN hoặc các bên đưa ra mức giá bán lẻ điện bình quân tăng, đề xuất tăng giá thì Nhà nước lại muốn không tăng, duy trì giá điện thấp để có tăng trưởng, kìm giữ lạm phát.
Thực thế, theo Tờ trình của Bộ Công Thương từ nay đến năm 2030 ngành điện cần tối đa 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới, bình quân là 11-13 tỷ USD/ năm. Trong bối cảnh EVN đang mất cân đối tài chính, không có lượng tiền để trang trải chứ chưa thể nói đến tái đầu tư, vậy lấy tiền đâu ra để phục vụ an ninh năng lượng?
PGS Trần Văn Bình cho rằng: Chúng ta đang không đối xử công bằng với ngành điện, một mặt chúng ta đang vận hành giá mua điện cạnh tranh, thậm chí đối với điện tái tạo trúng giá FIT, chúng ta có giá cao (giá thương thảo hợp đồng giữa EVN và các nhà phát điện chuyển tiếp). Trong khi đó, giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng lại neo giữ ở mức nhất định, thậm chí chi phí đầu vào vượt hơn, cũng không cho tăng. Vậy câu hỏi đặt ra là tính toán thế nào để cho ngành điện vận hành theo cơ chế thị trường?
Ông Bình ví von: "Một cốc trà đá bán 3.000 đồng, chi phí người sản xuất gồm mua nước, trà, đun nước và công bán để có giá đó. Tương tự đi ăn phở, chúng ta sẵn sàng trả 2.000 đến 2.500 đồng để mua thêm quẩy, nhưng sản phẩm như trà đá, quẩy không có quá nhiều ý nghĩa và thiếu nó nhiều người cũng chẳng sao. Tuy nhiên, chúng ta lại không sẵn sàng trả tiền 3.000 đông (mức giá gầnc ao nhất) để trả cho 1 kWh điện dùng nhiều hơn, mà 1kWh điện đó có thể dùng cho một chiếc quạt 85W chạy liên tục trong 12 giờ đồng hồ để xóa bớt hơi cơn nóng của gia đình hoặc cá nhân mình".
Ông Bình cho rằng, khi định giá là định giá trên giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của 1 kWh điện khác với 1 cốc trà đá chứ? Tại sao chúng ta chấp nhận trả tiền cho một cốc trà đá hoặc mua hàng khác mà không chấp nhận trả tiền điện thêm nếu dùng nhiều điện?
Theo PGS Trần Văn Bình, giải quyết vấn đề của ngành điện không phải điều chỉnh những chính sách như sửa đổi Quyết định 24 mà phải xuất phát từ quan điểm với ngành điện, với tư cách là phải đi trước, phải ưu tiên tôn trọng tính thị trường.
"Cách điều hành giá điện hay bất cứ chính sách nào cần vượt qua dân túy, bởi nếu duy trì giá điện thấp, hy sinh giá điện để đổi lấy tăng tưởng, chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta phải xử lý các vấn đề của ngành điện", TS Bình nói.
Về giải pháp theo ông Bình, phát điện, mua điện đã có thị trường cạnh tranh, đa dạng nguồn điện và đa dạng nhà cung cấp rồi, nhưng thị trường bán lẻ điện đến hộ tiêu dùng vẫn định giá. Cần tháo bỏ vấn đề này để ngành điện không phát triển lệch lạc. Người dùng điện nhiều phải trả tiền điện nhiều, tiến tới bắt họ phải sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chuyển đổi máy móc, công nghệ và quản trị năng lượng.
Đối với người dân, chúng ta quan điểm dân nghèo không có tiền trả nếu tăng giá điện, điều này không đúng. Tăng giá điện phải tăng, còn hộ khó khăn, chúng ta giúp đỡ bằng chính sách an ninh, người không có nhiều tiền sẽ phải ứng xử với cách tiêu thụ điện khác với người có khả năng chi trả, như họ mua điều hòa công suất bé hơn, bật thời gian ngắn hơn, sử dụng quạt điện...
"Chúng ta đang dung túng cho doanh nghiệp tiêu thụ điện giá rẻ, để đổi lại giá trị sản lượng gia tăng thấp, năng suất thấp. Người tiêu dùng cũng sử dụng điện nhiều, không có xu hướng tiết kiệm. Nếu tình trạng này duy trì mãi, chúng ta sẽ giống như nuông chiều nhưng đứa con hư, càng cho tiền càng tiêu mạnh", ông Bình nêu.
Chúng ta không giải quyết vấn đề mua bán điện theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng các quy luật về giá và cạnh tranh, thị trường điện sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng và đe dọa an ninh năng lượng của đất nước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Mai Châu cho rằng: "Việc thay đổi điều chỉnh giá từ 6 tháng rút xuống 3 tháng có thể không giải quyết được vấn đề giá điện bán lẻ bình quân thấp hoặc cao hơn chi phí đầu vào.
Ông Thủy cho rằng, quy định thời gian điều chỉnh cần linh hoạt theo thời điểm, mùa và khả năng tiêu thụ điện hoặc theo phụ tải. Không nên nhất thiết theo thời gian thực dễ khiến méo mó điều hành.
Giá xăng dầu lúc lên lúc xuống, tầm 11 ngày điều chỉnh bởi có cơ chế thị trường. Đối với điện hiện nay, nếu áp dụng cơ chế thị trường vào cũng có thể được, song theo tôi áp dụng điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần chưa hợp lý bởi vì cần căn cứ đầu vào cho điện. Nếu mưa nhiều, thủy điện nhiều thì giá điện phải rẻ, còn nắng nhiều, nhiệt điện phải phát liên tục, giá điện bán lẻ cần tăng cao hơn để bù đắp chi phí.
Ông Thủy nêu ví dụ: Riêng Thủy điện Mai Châu, có khi bán giờ thấp điểm chỉ 700 đồng/ kWh cho EVN, trong khi đó cao điểm gấp gần 4 lần, lên 2.800 đồng/ kWh. Nhưng giá điện bán lẻ bình quân của thủy điện vẫn chưa cao bằng giá nhiệt điện chạy than, dầu nhất là trong bối cảnh hiện nay, giá đầu vào tăng rất cao theo giá thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.