Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ Tài chính vừa đề xuất cho giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng động cơ đốt trong từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng nguồn cung, thị trường. Tuy nhiên, trường hợp nếu đề xuất này được chấp nhận, xăng dầu bán lẻ trong nước cũng khó lòng giảm giá ngay.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết vừa hoàn tất dự thảo đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế nhập khẩu tối huệ quốc dành cho các nước thành viên WTO) từ 20% xuống 10% (mức giảm 10% thay vì 8% như đề xuất hồi tháng 4/2022 cũng của Bộ Tài chính).
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính khẳng định nhằm đa dạng nguồn cung trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có những biến động hết sức khó lường; nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn khó tăng sản lượng do khó khăn về giá bán và đơn hàng giao tương lai.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong ba tháng gần nhất, lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam luôn trong trạng thái giảm mạnh hoặc khá mạnh.
Tháng 6/2022, xăng dầu thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt trên 610.000 tấn, giảm trên 19% so với tháng trước; tháng 5/2022, mặt hàng này cũng chỉ đạt hơn 760.000 tấn, giảm gần 3% so với tháng trước; tháng 4, xăng dầu nhập đạt gần 790.000 tấn, giảm gần 40% so với tháng trước.
Rõ ràng, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong nước đang trong bối cảnh hết sức khó khăn dù cho Bộ Công Thương có mở "quota" nhập khẩu xăng dầu cho 20 doanh nghiệp đầu mối, xong theo nhiều doanh nghiệp họ không thể đàm phán mức giá và thời gian giao hàng với đối tác, nên khó bổ sung nguồn xăng dầu đa dạng ngay lập tức.
Về nguồn cung xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, trong 6 tháng 2022, Việt Nam nhập khẩu 4,8 triệu tấn xăng dầu, trong đó trên 3,3 triệu tấn xăng là từ Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan là 3,9 triệu tấn, chiếm 81% tổng lượng xăng dầu nhập của Việt Nam. Đáng chú ý, các đối tác cung cấp 81% lượng xăng dầu của Việt Nam nói trên chỉ chịu mức thuế suất xăng dầu từ 8-10%, mức rất thấp so với thuế suất MFN.
Năm 2021, Việt Nam nhập 6,9 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó xăng là 840.000 tấn, dầu diesel là 4,7 triệu tấn. Trong đó xăng dầu từ các nước Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan về Việt Nam cũng đạt trên 6,2 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng.
Mức thuế thấp, cộng với thương thảo hợp đồng nhiều năm giúp các đối tác trên trở thành nhà cung ứng xăng dầu số 1 Việt Nam. Các thị trường khác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật cũng có cung cấp xăng dầu cho Việt Nam song rất nhỏ, không đáng kể.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đối với xăng dầu nhập khẩu, thuế suất chênh 1% là cũng đủ để doanh nghiệp đầu mối cân nhắc nhập khẩu. Chính vì vậy, phương án giảm thuế MFN sẽ vô nghĩa nếu vẫn cao hơn so với thuế suất ưu đãi FTAs riêng lẻ.
Ngoài ra, một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Bắc cho biết, vấn đề thuế phí bất biến, nhưng các yếu tố ảnh hưởng đến giá và hợp đồng giao xăng dầu là đối tác, khách hàng, đàm phán giá tương lai, tiến độ giao hàng… ảnh hưởng rất lớn đến giá nhập khẩu. Với khách hàng mới, đối tác mới, muốn mua nhiều sẽ phải ký quỹ, ứng trước số tiền lớn, trong khi đó các giao dịch với đối tác mới sẽ mất khá nhiều thời gian đàm phán, tìm hiểu trước khi "chốt" nhập xăng dầu về nước.
"Đối với đối tác mới, đàm phán xăng dầu sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu và thương thảo về giá. Khá nhiều thủ tục và rủi ro nên thường doanh nghiệp sẽ tìm phương án gia tăng đơn hàng với đối tác truyền thống, tìm hiểu dần các đối tác và thị trường mới. Trường hợp thuế MFN được giảm về 10%, chắc chắn chúng tôi sẽ nghiên cứu để, tính toán để đa dạng nguồn cung ở các thị trường nào có cơ hội, tuy nhiên, để đảm bảo hợp đồng mới thay thế hoặc bằng các hợp đồng xăng dầu nhập ở các đối tác truyền thống hiện nay là không thể", vị doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Bắc tiết lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.