Những người nông dân văn minh: Đi Canada vẫn chăm sóc đàn gà, trồng đông trùng hạ thảo (bài 2)

Thu Hà Thứ sáu, ngày 09/09/2022 10:19 AM (GMT+7)
"Trong thời gian đi công tác ở Canada, tôi vẫn theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn gà ở nhà. Ngoài ra, tôi còn chỉ đạo được công nhân nhờ phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh"- đó là chia sẻ của tỷ phú nuôi gà Lê Văn Quyết ở Đồng Nai.
Bình luận 0

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân đã chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. Họ đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần hình thành nên những người nông dân văn minh, chuyên nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW - những người làm chủ công nghệ, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, sẵn sàng liên kết để cùng nhau đi xa.

Đi nước ngoài vẫn chăm sóc được đàn gà

"Trong thời gian đi công tác ở Canada, tôi vẫn theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn gà ở nhà. Ngoài ra, tôi còn chỉ đạo được công nhân nhờ phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh" - đó là chia sẻ của tỷ phú nuôi gà Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai).

Những nông dân chuyên nghiệp: Đi Canada vẫn chăm sóc được đàn gà, trồng đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI, năm 2021.

Thực tế, trong giới chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là một cái tên nổi tiếng bởi đó là hợp tác xã đầu tiên trên cả nước liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Khác với cách chăn nuôi truyền thống, HTX Long Thành Phát chăn nuôi theo quy trình khép kín, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, ngay trong điều kiện dịch Covid-19, HTX vẫn tiêu thụ được sản phẩm, giảm thiểu đáng kể  

Ông Quyết hiện đang ở Canada. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Quyết tự hào nói tất cả trang trại trong HTX của ông đều thuộc top đầu của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước về ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện tổng đàn gà trong trang trại lên đến hơn 1,5 triệu con.

Tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động. Ngoài ra, dây chuyền chăn nuôi còn được sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Với mô hình nuôi gà xuất khẩu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có doanh thu ước tính trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Ông Quyết cho biết, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, nguồn cung hiện không đủ cầu. HTX của ông Quyết đang đều đặn bảo đảm ổn định khoảng 25.000 con gà/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường này.

Làm nông chuyên nghiệp, nhiều người thành tỷ phú - Ảnh 1.

Mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của chị Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Nguyễn Chương

"Năm 2022, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chọn một chủ đề rất thú vị là "Người nông dân chuyên nghiệp".Tôi nghĩ đây là một chủ đề rất hay và rất thời sự. Chúng tôi rất háo hức mong chờ diễn đàn" .

Chị Nguyễn Thị Hồng

Chị Nguyễn Thị Hồng (ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong việc trồng đông trùng hạ thảo.

Chị Hồng hiện có 2 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, một ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, và một ở Đà Lạt (Lâm Đồng) với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm. Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2 ở xã Dân Hòa, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu đều được tự động hóa.

"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao"-chị Hồng nói.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để người nông dân chuyên nghiệp

Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.

Thực tế, những mô hình như của ông Quyết hay chị Hồng chính là hình mẫu hướng đến của người nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết 19. Theo TS.Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự khan hiếm lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã "hút" nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị.

Những nông dân chuyên nghiệp: Đi Canada vẫn chăm sóc được đàn gà, trồng đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ - Ảnh 4.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của nông dân Đặng Văn Bảy (Bến Tre).

Do vậy, theo ông Thịnh, "Tri thức hóa nông dân" là một tiến trình đòi hỏi thời gian và sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có cả nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính người nông dân.

Vừa qua, Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ19) và Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ150), theo đó: Phát triển nông nghiệp bền vững với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái theo cách tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các nguyên tắc đảm bảo lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm tối ưu hóa quan hệ giữa cây trồng - vật nuôi - con người - môi trường, có tính tới các yếu tố xã hội hướng tới hệ thống lương thực bền vững, minh bạch, trách nhiệm.

Lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác là nền tảng, lấy áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp và gia tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm nông sản làm động lực cho quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp quốc gia. Xem việc đáp ứng nhu cầu thị trường là mục tiêu của quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Theo đó, cần đánh giá các tiềm năng và định hướng phát triển để kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường xuất khẩu với phát triển thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, một loạt các giải pháp đẩy mạnh "tri thức hóa nông dân" đã và đang được các ban ngành, hội đoàn thể triển khai là: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trí thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX và các hội nghề nghiệp); phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; Xây dựng một số mô hình "sáng tạo đổi mới" trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; Nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem