Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, 3 lần trong bối cảnh cúm A bùng phát, Covid-19 tăng lại

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 09/08/2022 13:08 PM (GMT+7)
Chỉ trong một tuần, Hà nội đã ghi nhận thêm 149 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 2 - 3 lần so với tuần trước đó trong bối cảnh cúm A bùng phát, Covid-19 tăng lại.
Bình luận 0

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp đôi, thêm 8 ổ dịch

Ngày 9/8, đại diện Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận gần 150 ca sốt xuất huyết, rải rác ở 26 quận, huyện trong thành phố.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần qua bao gồm: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10)… Đáng chú ý, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1).

Trong đó, Ba Đình, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Xuân tập trung nhiều người bệnh, các quận huyện khác ghi nhận dưới 10 ca. Tính từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 608 ca sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với năm 2021, chưa ghi nhận ca tử vong. Tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tăng lên. 

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, 3 lần, có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Gia Khiêm

Đại diện Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10 bệnh nhân, đa số họ sốt cao liên tục, đau mỏi người. Trong đó một số người bị sốt xuất huyết nặng gây tràn dịch màng bụng, phổi; một số trường hợp bị chảy máu răng, mũi; bệnh nhân nữ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo. Các bệnh nhân này đều phải nhập viện điều trị.

Đại diện CDC Hà Nội dự báo ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Lý do là sốt xuất huyết đã vào mùa, thành phố đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng. Do đó, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh, triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, 3 lần, có đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dịch sốt xuất huyết tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh sốt xuất, đại diện Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Toàn huyện Phú Xuyên có 6 xã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết với tổng số gần 40 ca, 1 ổ dịch. Trong đó, ổ dịch tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung có hơn 30 ca. Ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên là 28/6, hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi. 

Sốt xuất huyết khó phân biệt với các bệnh khác như Covid-19 và cúm

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của sốt xuất huyết khó phân biệt với các bệnh khác như Covid-19 và cúm. Trong bối cảnh Hà Nội cùng lúc đang tồn tại dịch cúm A và Covid-19, sốt xuất huyết có thể bị bỏ qua, khiến người mắc bệnh trở nặng.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2, 3 lần, có đáng lo ngại? - Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết. Ảnh: Gia Khiêm

Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết thường gặp gồm sốt cao 39-40 độ, có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như đau đầu, đau mỏi người, đau hốc mắt. Do đó, khi có các biểu hiện này, cần nhanh chóng đến bệnh viện khám, không tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh biến chứng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng. 

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

"Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue theo Hướng định của Bộ y tế, kịp thời phát hiện các ca sốt xuất huyết sớm và xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết. 

Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác", bác sĩ Cường nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem