Điểm tựa "tiếp sức" hàng nghìn hộ nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông vươn lên

Thùy Linh Thứ tư, ngày 15/03/2023 18:06 PM (GMT+7)
Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tham gia tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật là động lực, khuyến khích hàng nghìn hộ nghèo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chủ động phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh vươn lên thoát nghèo.
Bình luận 0

"Tiếp sức" người dân thoát nghèo

Trước đây gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) quanh năm bám vào ruộng vườn, mặc dù chăm chỉ trồng ngô, cấy lúa nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình anh. Với suy nghĩ phải tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2019, anh xin tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố và được hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi.

Từ số vốn trên, anh Hoàng xây dựng chuồng trại kiên cố 200 m2, ngăn chuồng để nuôi 10 con bò và 15 con heo rừng. Cùng với đó, anh chuyển diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Sau 3 năm, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Hoàng phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt theo từng năm, với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Điểm tựa "tiếp sức" hàng nghìn hộ nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông vươn lên - Ảnh 1.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tín (thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) sử dụng vốn tín dụng chính sách để phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: T.Linh

Hay như gia đình chị Phạm Thị Tiết (thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) trước đây thường xuyên trong tình cảnh "thiếu trước hụt sau" do đất canh tác ít, thu nhập chủ yếu dựa vào vụ mùa trồng lúa, mì. Với quyết tâm thoát nghèo, chị Tiết bàn bạc với chồng và mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Krông Bông để đầu tư nuôi một cặp bò giống sinh sản kết hợp xen canh 6 sào hoa màu "lấy ngắn nuôi dài".

Chị Tiết chia sẻ: "Tôi chủ động tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân địa phương tổ chức và tự nghiên cứu thêm qua mạng internet cũng như tham quan các mô hình thực tế tại xã để có thêm kiến thức áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Nhờ đó, đàn bò của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh". Năm 2022, sau khi trả hết nợ vốn vay, chị Tiết tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô đàn bò thêm 6 con. Từ một hộ nghèo lâu năm, giờ đây gia đình chị đã có cuộc sống ổn định với thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Điểm tựa "tiếp sức" hàng nghìn hộ nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông vươn lên - Ảnh 2.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông và đại diện tổ chức ủy thác cho vay kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình bà Nguyễn Thị Tín (thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông). Ảnh: T.Linh

Tượng tự, từ các nguồn vốn vay chính sách, hộ bà Nguyễn Thị Tín ở thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông đã sử dụng để trồng mới, cải tạo 1ha cà phê và 6 sào lúa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và đầu tư, chi tiêu hợp lý, đúng mục đích nên sản lượng thu được từ mô hình trồng trọt dần mang lại kinh tế ổn định cho gia đình bà Tín. Năm 2020, bà Tín mở rộng thêm khu chăn nuôi bò, gà, vịt để tăng thu nhập. Qua nhiều lần tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH, đến nay gia đình bà Tín không những thoát nghèo bền vững mà còn trở thành một trong những gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Hòa Lễ.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Có thể khẳng định, hiệu quả từ chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Krông Bông đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo đó, nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đúng hướng vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện vươn lên.

Hiện đã có đến gần 59.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Krông Bông được tiếp cận vốn vay chính sách thông qua 14 chương trình tín dụng đang được triển khai, tổng dư nợ đạt trên 532 tỷ đồng.

Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng thời điểm và đặc biệt là "Không để ai bị bỏ lại phía sau", cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội của huyện Krông Bông đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên huyện đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Điểm tựa "tiếp sức" hàng nghìn hộ nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông vươn lên - Ảnh 3.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông giải ngân vốn vay tại phiên giao dịch lưu động ở thị trấn Krông Kmar. Ảnh: T.Linh

Cùng với đó, các hội, đoàn thể cũng tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân… nhằm thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát huy thế mạnh địa phương.

Theo ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông, để nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, mỗi tháng, đơn vị tổ chức 14 phiên giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mô hình này là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, vừa tạo thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách được công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, để mọi người dân đều nắm bắt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách thì vai trò của các đơn vị ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn là rất quan trọng. Đây chính là "cánh tay nối dài" của NHCSXH tới tận vùng sâu, vùng khó khăn, góp phần đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" ở địa phương.

Thông qua việc vay vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Krông Bông đã giúp 8.780 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho trên 2.166 lao động, có 5.204 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; 22.904 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, cải tạo, nâng cấp; hỗ trợ 1.956 hộ nghèo làm nhà ở; duy trì và phát triển nhiều dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem