Điều tra nguồn gốc dịch Covid-19: TQ bắt đầu mạnh tay với Úc

Thứ ba, ngày 12/05/2020 12:25 PM (GMT+7)
Sau nhiều lần dọa "giáng đòn kinh tế" nhằm vào Úc vì kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Bắc Kinh chính thức có động thái trên thực tế.
Bình luận 0

Daily Mail hôm 12/5 dẫn tin từ tờ Weekly Times của Úc cho hay, 4 nhà cung cấp thịt ở Úc - 3 ở bang Queensland và một ở bang New South Wales - bị Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu thịt sang thị trường tỷ dân này giữa lúc căng thẳng 2 nước leo thang.

4 nhà cung cấp thịt ở Úc, gồm Kilcoy Pastoral, Beef City, Dinmore và Northern Co-operative Meat, chiếm khoảng 35% lượng thịt bò xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc với giá trị lên tới 3,5 tỷ USD.

Động thái mạnh tay của Trung Quốc với các nhà cung cấp thịt ở Úc đến chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh đe dọa áp thuế 80% với lúa mạch Úc, một động thái được đánh giá có thể làm tê liệt ngành công nghiệp lúa mạch của Canberra.

Mức thuế đề xuất với lúa mạch Úc được đưa ra sau một cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài 18 tháng của Trung Quốc.

img

Căng thẳng liên tiếp nổ ra trong thời gian gần đây giữa chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: Reuters

Những căng thẳng liên tiếp nổ ra khiến quan hệ Úc - Trung ngày càng "nóng". Geoff Raby, cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, chia sẻ với báo chí: "Quan hệ ngoại giao Úc - Trung đang xuống tới điểm thấp nhất kể từ khi được thiết lập cách đây 46 năm".

Úc kêu gọi một lệnh cấm đối với các khu chợ bán động vật hoang dã, thúc giục một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 ở Trung Quốc và đưa ra cáo buộc cho rằng Bắc Kinh che giấu thông tin về sự lây lan của đại dịch. Các động thái này của Úc khiến Trung Quốc phẫn nộ.

Hồi tháng 4, đại sứ quán Trung Quốc gọi Bộ trưởng Nội vụ Úc, Peter Dutton, là "thiếu hiểu biết" và là "con vẹt" của Mỹ. Ngày 26/4, Jingye Cheng, đại sứ Trung Quốc tại Úc cảnh báo người tiêu dùng nước sẽ tẩy chay và ngừng mua các sản phẩm Úc để trả đũa việc Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

Úc và Trung Quốc đã có thỏa thuận thương mại tự do từ năm 2015 nhưng một số nhà xuất khẩu vẫn gặp khó khăn khi quan hệ giữa 2 nước trở nên tồi tệ.

Năm 2018, Bắc Kinh áp đặt các quy định hải quan mới với rượu Úc dẫn đến các lô hàng bị giữ lại tại thành phố Thượng Hải. Năm 2019, khi Canberra tước thị thực của doanh nhân Trung Quốc, Xiangmo Huang, các cảng lớn của Trung Quốc đồng loạt kéo dài thời gian rời bến của than đá Úc ít nhất tới 40 ngày, nói rằng sự chậm trễ là để phục vụ kiểm tra an toàn.

Jane Goolley, giáo sư tại Đại học ANU - Châu Á Thái Bình Dương, hồi tháng 4 cảnh báo Trung Quốc sẽ còn duy trì các hình thức "trừng phạt kinh tế" nếu Úc tiếp tục khiến Bắc Kinh "phật ý".

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguyễn Thái - Daily Mail (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem