Điều tra nhiều Dự án trúng thầu của AIC được phân bổ bằng Ngân sách Trung ương

Quỳnh Nguyễn Chủ nhật, ngày 13/11/2022 07:41 AM (GMT+7)
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ngoài sai phạm liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC đã trúng thầu nhiều Dự án liên quan đến phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương nên sẽ tách phần này ra để điều tra xác minh làm rõ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ban hành kết luận vụ sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can có liên quan.

Trong số này, có 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ", gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC và Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc AIC. Tuy nhiên cả 2 bị can này đều đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Có 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ", gồm: Trần Đình Thành, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và nhiều bị can khác trong vụ án còn bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài các hành vi thông thầu, đưa, nhận hối lộ đã phát hiện, C03 cho rằng vụ án còn có nhiều vấn đề liên quan đến phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương.

Vốn TPCP bố trí cho dự án vượt quá quy định

Theo kết luận điều tra, Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viẹn lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, truyền nhiễm và một số bệnh viện Đa khoa tỉnh thuộc miền núi, khó khăn sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2019-2013". Theo quy định, cơ chế hỗ trợ từ nguồn vốn TPCP đối với tỉnh Đồng Nai là 30% nhu cầu còn lại trong tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp.

Điều tra nhiều Dự án trúng thầu của AIC được phân bổ bằng Ngân sách Trung ương - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đ.N

Ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư gần 890 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách tỉnh Đồng Nai và vốn xã hội hoá. Dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên sau nhiều lần chậm tiến độ và điều chỉnh đã "đội vốn" lên hơn 2.000 tỷ đồng, bố trí vốn bằng nguồn Ngân sách địa phương. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng vào giữa năm 2015.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2009, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt đưa vào diện được phân bố, bố trí vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo "không bố trí nguồn vốn TPCP cho phần vốn do tăng điều chỉnh quy mô".

Theo quy định về sử dụng nguồn vốn TPCP, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đó, thì dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được hỗ trợ vốn TPCP 30% của tổng mức đầu tư dự án, là gần 890 tỷ đồng. Tương ứng mức bố trí tối đa cho dự án này là khoảng 266,8 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã được bố trí 336,315 tỷ đồng, cao hơn 69,477 tỷ đồng so với quy định.

Ngoài nguồn vốn bố trí này, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Tài chính đã tạm ứng 500 tỷ đồng vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho Ngân sách tỉnh Đồng Nai để Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thanh toán cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Toàn bộ số vốn ứng trước vốn TPCP và vốn KBNN đã được tỉnh Đồng Nai hoàn trả theo quy định.

C03 xác định trong giai đoạn 2014- 2015, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã được Trung ương bố trí cho tạm ứng vốn TPCP và vốn KBNN số tiền 666 tỷ đồng. Trong đó vốn TPCP bố trí cho dự án vượt quá quy định, gần 70 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản bố trí vốn trái quy định này trùng với thời gian chủ đầu tư thanh toán cho AIC với số tiền hơn 665 tỷ đồng.

Tại dự án này, Công ty AIC và các doanh nghiệp do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu về thiết bị và xây lắp với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng và trúng thầu 100%. Trong đó riêng AIC trúng 12 gói thầu trị giá hơn 477 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn quyền lực cỡ nào?

Lời khai của bị can Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư dự án thể hiện: Biết đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AIC là "người có mối quan hệ lớn, thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo các Bộ, Ngành", và AIC là "doanh nghiệp lớn, có mối quan hệ rộng, có công trong việc xin vốn cho dự án".

Trong khi đó, bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai đã ký các quyết định có lợi cho AIC không chỉ từ mối quan hệ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bí thư tỉnh Đồng Nai khi đó là ông Nguyễn Đình Thành mà còn mục đích để Nhàn hỗ trợ tỉnh Đồng Nai xin vốn từ Ngân sách Trung ương.

Cụ thể, năm 2010, khi Bệnh viện chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào Dự án, Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KHĐT báo cáo về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung, Thành đã gọi điện thoại cho Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án Bệnh viện và được Nhàn đồng ý.

Điều tra nhiều Dự án trúng thầu của AIC được phân bổ bằng Ngân sách Trung ương - Ảnh 3.

Mối quan hệ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn "khủng" cỡ nào mà Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai phải gọi điện nhờ xin vốn Trung ương?

"Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí vốn TPCP và vốn KBNN với số tiền lớn, trong đó có việc bố trí nguồn vốn Ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định. Tuy nhiên, do Công ty AIC trúng thầu nhiều Dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương. Do đó, để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các Dự án có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách phần điều tra xác minh liên quan đến phân bố, sử dụng, quyết toán nguồn vốn Ngân sách Trung ương để điều tra xác minh làm rõ và xử lý sau", Kết luận điều tra Bộ Công an nêu rõ.

Được biết, ngoài dự án tại Đồng Nai, AIC còn được biết là nhà thầu lớn cung cấp thiết bị y tế, giáo dục cho nhiều dự án khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong Kết luận điều tra, C03 đã đưa ra 3 kiến nghị tới các cơ quan chức năng gồm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bố nguồn vốn trái quy định của pháp luật.

Quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý; yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.

Đồng thời, C03 còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan Thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt "quân xanh quân đỏ" để dự thầu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem