Đình công kéo dài, Paris "chìm trong rác", đối mặt với nguy cơ bệnh dịch

Lê Phương (Express) Thứ tư, ngày 15/03/2023 11:12 AM (GMT+7)
Thành phố lãng mạn nhất thế giới đã bị bao trùm bởi mùi hôi thối trong bối cảnh người lao động đình công sau dự luật cải cách lương hưu.
Bình luận 0
Đình công kéo dài, Paris "chìm trong rác", đối mặt với nguy cơ bệnh dịch  - Ảnh 1.

Cuộc đình công kéo dài khiến thành phố Paris bị bao trùm bởi rác. Ảnh: Getty

Người dân Paris bắt đầu lo sợ cho sức khỏe của họ khi những đống rác đã trở thành cảnh tượng thường xuyên ở thủ đô nước Pháp. Những đống chất thải bốc mùi đã bắt đầu che khuất các địa danh mang tính biểu tượng của thành phố.

Khoảng 5.600 tấn rác không được thu gom trên đường phố của thủ đô hôm 13/3, theo văn phòng thị trưởng Paris, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn.

Trong khi nhiều người tỏ ra thông cảm với những người đình công, cư dân bắt đầu lo lắng về những vấn đề vệ sinh.

Mathilde Boyer, 23 tuổi, sống ở quận 15 phía nam, cho biết: "Thật là tồi tệ, thành phố trở nên xấu xí và bốc mùi nồng nặc".

Nếu được thông qua, cải cách của Tổng thống Macron sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của những người thu gom rác từ 57 lên 59 (Những người thu gom rác thường được nghỉ hưu sớm do công việc đặc thù).

Đáng lo ngại, Paris đã là một trong những thành phố có nhiều chuột nhất trên thế giới, từ 1,5 đến 1,75 con chuột tương ứng mỗi người sống ở thủ đô.

Thống kê gây sốc khiến Học viện Y khoa Quốc gia Pháp đưa ra cảnh báo vào tháng 7 năm ngoái về "mối đe dọa đối với sức khỏe con người" mà loài chuột gây ra cũng như những căn bệnh mà chúng có thể mang theo.

Giao thông đường sắt cũng bị gián đoạn trong nhiều ngày và các nhà máy lọc dầu chính của Pháp đã bị phong tỏa do các cuộc biểu tình của công nhân.

Hôm 11/3, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách lương hưu đầy tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron. Đây có thể xem là thử thách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông chủ Điện Elysee.

Với 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở nước này từ 62 lên 64 tuổi. Ngoài ra còn một số cải cách khác, như bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề.

Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu chính là điểm gây tranh cãi nhất của dự luật, khiến công chúng Pháp nổi giận. Các công đoàn lao động ở Pháp đã tiến hành một loạt cuộc tuần hành và đình công trên toàn quốc trong vòng 2 tháng qua nhằm phản đối dự luật. Một số cuộc biểu tình đã quy tụ hơn một triệu người, làm gián đoạn giao thông công cộng (đặc biệt là đường sắt và hàng không) cũng như ảnh hưởng lớn tới hệ thống cung cấp năng lượng trên khắp nước Pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem