Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị "lạ" về thực hiện hóa đơn điện tử

An Linh Thứ hai, ngày 04/12/2023 13:23 PM (GMT+7)
Chủ doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ tại Trà Vinh, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Cty TNHH MTV Bội Ngọc vừa có đơn kiến nghị về thực hiện hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Bình luận 0

Theo đó, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán hàng".

Chủ doanh nghiệp này cho rằng, quy định trên là mỗi lần nhấc cò bơm xăng dầu được xuất một hóa đơn điện tử riêng biệt, bao gồm thông tin về sản phẩm, giá cả, thông tin thanh toán và thông tin khách hàng, bất kể là bơm thử, bơm phục vụ công tác kiểm định hay kiểm tra, không phân biệt giá trị mua hàng.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị "lạ" thực hiện hóa đơn điện tử - Ảnh 1.

Đại lý xăng dầu bán lẻ kiến nghị các biện pháp về hóa đơn điện tử (Ảnh: NT).

Ông Tây cho rằng, nghe thì đơn giản nhưng nếu áp dụng đúng nội dung, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Thứ nhất là về nhân lực, đa số nhân viên bán xăng là lao đông phổ thông, trình độ tay chân, khó có thể vừa bán hàng, vừa xuất hóa đơn, theo dõi quản lý hệ thống hóa đơn điện tử phức tạp.

Về trang bị, ông này cho rằng để thực hiện quy định này, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc phải bỏ các dầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng được để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn máy in.

Điều này cực kỳ lãng phí, khi bỏ tất cả các đầu số đang còn giá trị sử dụng lâu dài. Tính trung bình, mỗi cửa hàng 4 trụ bơm, phải tốn 60-80 triệu đồng, nếu tính cả nước, con số này tốn hơn 1.360 tỷ đồng.

Theo ông Tây: "Khi gắn máy in xong, chẳng mấy ai yêu cầu in, có khi cả năm chẳng ai hỏi in, đa số họ chụp màn hình thuận tiện hơn, vì in cũng phải chụp lại mới gửi đi được... Quy định này có thể gây lãng phí chi phí xã hội, không phù hợp thực tế".

Đại diện doanh nghiệp này dẫn tính toán của Bộ Công Thương, cho rằng mỗi cửa hàng khi xuất hóa đơn điện tử sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm, phần cứng... Nếu áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra ở khâu đầu nguồn xăng dầu, các tổng kho đầu mối để chống thất thu thuế. Bởi "đây mới là giải pháp mang tầm quốc gia, vì khi nhập hàng về số lượng lớn, phải lưu kho, nên quản lý tốt hơn".

Việc xuất hóa đơn điện tử là việc làm của 100% các doanh nghiệp bán lẻ đang thực hiện. Ông Tây cho rằng, hiện không có doanh nghiệp bán lẻ nào có khả năng pha chế hay tự nhập hàng lậu về nên việc kiểm soát hàng lậu đối với đại lý bán lẻ là không cần thiết.

Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ khác cho rằng đặc thù ngành xăng dầu là đa số các lượt bán có giá trị nhỏ, từ 10.000-30.000 đồng, bình quân 1-2 lít xăng cho một lượt bán (thù lao, chiết khấu, hoa hồng dao động từ 0 đồng đến 1.000 đồng/lít), trong khi một hóa đơn điện tử có chi phí tới 400-500 đồng, chưa kể chi phí vận hành giấy, máy in, nhân công… ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo doanh nghiệp này, hiện có tới trên 90% khách hàng khi mua xăng dầu không có nhu cầu lấy hóa đơn, không ai đến yêu cầu in cho tờ hóa đơn 20.000 đồng, 50.000 đồng.

Doanh nghiệp này đề xuất để hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp bán lẻ, với với khách hàng mua lẻ xăng dầu từ 10.000 đồng đến dưới 200.000 đồng, đề xuất không xuất hóa đơn riêng rẻ từng khách hàng mà gom lại để xuất hóa đơn vào cuối ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem