Doanh nghiệp Philippines nói gì về vắc xin phòng loại bệnh nguy hiểm trên lợn hiện mới có Việt Nam sản xuất được?

P.V Thứ ba, ngày 27/08/2024 09:46 AM (GMT+7)
Trực tiếp khảo sát dây chuyền sản xuất vắc xin Dịch tả lợn châu Phi trước khi nhập 150.000 liều, bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc (Philippines) đánh giá cao chất lượng bảo hộ của loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn mà đến này mới có Việt Nam sản xuất được.
Bình luận 0

Trước khi nhập 150.000 liều vắc xin phòng ngừa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi "made in Vietnam", ngày 26/8, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin của Philippines cùng ông Engr. Rosendo O.So, Chủ tịch SINAG - nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững của Philippines đã trực tiếp đến nhà máy của Công ty CP AVAC Việt Nam ở Hưng Yên, đơn vị cung cấp vắc xin Dịch tả lợn châu Phi cho Philippines đợt này để khảo sát dây chuyền cũng như năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Được biết, lô vắc xin Dịch tả lợn châu Phi 150.000 liều mà Công ty AVAC Việt Nam xuất khẩu sang Philippines vào ngày 29/8 tới nằm trong số 600.000 liều vắc xin Dịch tả lợn châu Phi mà Chính phủ Philippines đã đặt hàng Việt Nam sau khi loại vắc xin này được phép lưu hành tại Philippines từ tháng 7/2024. 

Doanh nghiệp Philippines nói gì về loại vắc xin mới có Việt Nam sản xuất được? - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin của Philippines; nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững của Philippines khảo sát dây chuyền sản xuất vắc xin của Công ty CP AVAC Việt Nam tại Hưng Yên.

Việc Philippines quyết định triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi của doanh nghiệp Việt Nam cho đàn lợn là kết quả đàm phán, hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Philippines trong nỗ lực chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, cùng cộng đồng thế giới bảo vệ sức khỏe vật nuôi cũng như sức khỏe con người.

Bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc cùng nhóm nông nghiệp uy tín của Philippines rất bất ngờ trước dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến của Công ty CP AVAC Việt Nam.

“Kết quả hợp tác hôm nay giữa doanh nghiệp chúng tôi và Công ty AVAC Việt Nam đều dựa trên những căn cứ, nền tảng khoa học được triển khai rất chặt chẽ, bài bản. Thực tế, chúng tôi đã có một quá trình đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin Dịch tả lợn châu Phi rất nghiêm túc, kết quả đánh giá về độ an toàn, hiệu lực bảo hộ và các hồ sơ nghiên cứu, các dữ liệu mà chúng tôi nhận được đều rất tốt. Tiến độ đăng ký đều phù hợp với yêu cầu của Cục Quản lý Dược phẩm Philippines, do vậy chúng tôi quyết định nhập loại vắc xin này để bảo vệ ngành chăn nuôi trước sự tấn công của dịch bệnh".

Giám đốc điều hành KPP Powers Commodites Inc cũng cho biết, doanh nghiệp của bà được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines trực tiếp giới thiệu vắc xin Dịch tả lợn châu Phi "made in Vietnam" và ngay lập tức đã liên hệ với AVAC để đàm phán. Sau đó, hai bên đã tiến hành các thử nghiệm và đánh giá thận trọng. 

Doanh nghiệp Philippines nói gì về loại vắc xin mới có Việt Nam sản xuất được? - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam chia sẻ với chuyên gia đến từ Philippines về hiệu quả bảo hộ của vắc xin Dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin thêm về hiệu quả của vắc xin Dịch tả lợn châu Phi, TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, sau hơn 1 năm được cấp phép lưu hành, Công ty CP AVAC Việt Nam đã đưa ra thị trường trong nước 2 triệu liều, xuất khẩu 305.000 liều, trong đó Philippines là 300.000 liều, Nigeria là 5.000 liều; xuất bán cho các công ty lớn như C.P là hơn 1 triệu liều. 

Đáng chú ý, từ tháng 7/2023, AVAC đã cung ứng trên 250.000 liều cho các chi cục và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện trên toàn quốc. Tất cả đối tượng lợn sau khi được tiêm vắc xin, đều được giám sát rất chặt chẽ và lấy mẫu kiểm tra hiệu giá kháng thể sau 28 ngày tiêm. Kết quả: 250.000 liều tiến hành tiêm đều an toàn, hiệu giá kháng thể đạt trên 90%. Đó là lý do gần đây, các tỉnh mạnh dạn dùng ngân sách địa phương hoặc nguồn lực xã hội hoá để đưa vắc xin ASF của AVAC vào trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Còn tại Philippines, giữa tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp (DA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines đã công bố việc triển khai vắc-xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào quý III/2024.

Theo đó, trong một cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phillpines Francisco Tiu Laurel, Jr. đã thông báo, Bộ Nông nghiệp đang “hoàn thiện các hướng dẫn các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp và thú y về việc sử dụng có kiểm soát vắc xin ASF, sau đó sẽ tiến hành lấy ý kiến trong công chúng” thông qua Cục Công nghiệp Động vật (the Bureau of Animal Industry – BAI).

Việc triển khai là hoàn toàn tự nguyện, hiện sẽ ưu tiên các trang trại thương mại đủ điều kiện, các doanh nghiệp bán thương mại và các cụm trang trại nuôi thả, nhất là các ở vùng đỏ và vùng hồng, dưới sự giám sát chặt chẽ kết hợp giữa DA – BAI.

Tính đến ngày 14/7, Chương trình Phòng ngừa và Kiểm soát ASF Quốc gia (NASFPCP) của DA – BAI đã báo cáo có 403 vùng đỏ và 737 vùng hồng tại Philippines.

Dự kiến khoảng 150.000 liều AVAC ASF Live trong tổng số 600.000 liều theo mục tiêu của DA, sẽ đến Philippines vào quý III/2024. Vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam phát triển, dành cho lợn từ 4 tuần tuổi trở lên, với khuyến cáo tiêm một liều duy nhất và thời gian bảo hộ ít nhất là 5 tháng.

Theo giải thích của Tổng giám đốc FDA Samuel Zacate, trong số các ứng cử viên vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm hiện có, AVAC đã chứng minh có hiệu quả cao nhất so với các rủi ro có khả năng xảy ra. 

Tổng cộng 350 triệu peso đã được DA phân bổ cho việc mua vắc xin, kim tiêm và các nhu yếu phẩm khác cho việc triển khai vắc-xin ASF. “Việc mua vắc xin này chứng minh cam kết của DA trong việc bảo vệ ngành chăn nuôi lợn và tăng cường an ninh lương thực quốc gia giữa lúc đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ ASF”, Bộ trưởng Tiu Laurel nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem