Đọc sách cùng bạn: Nhịp tim hẫng hụt

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 25/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuốn sách tôi đưa đến bạn hôm nay là "Hà Nội và tôi", tập truyện ký của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Nhịp tim hẫng hụt - Ảnh 1.

Tác giả là một người Hà Nội "xịn", gốc ở làng Bưởi, và được mẹ kịp sinh ra ở Hà Nội năm Bính Tuất (1946) sau khi đã tìm cách từ miền Trung ra được đàng ngoài khi tiếng súng cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc lần thứ nhất đã nổ ra.

Lâu nay nói tới Hà Nội người ta vốn quen mặc định cụm từ "hào hoa và thanh lịch" cho đất và người nơi đây, bởi đó là chốn kinh kỳ ngàn năm, là Thăng Long xưa, là thủ đô nay. Bao nhiêu tác phẩm thơ văn nhạc họa thường là bay bổng trên cái nền ấy. Nhưng còn những phận người Hà Nội lầm than và khốn khổ ở dưới đáy hoặc bị rơi xuống đáy cuộc sống trên chính mảnh đất này thì còn được ít nói đến trong văn chương nghệ thuật. Nhất là những phận người bị gió bão thời cuộc quăng quật, đánh đắm cả tuổi tên cuộc đời trong nửa sau thế kỷ 20 thì càng vắng bóng. Vài chục năm trước có hai cuốn hồi ký "Cát bụi chân ai" và "Chiều chiều" của Tô Hoài viết về thân phận các văn nghệ sĩ ở thủ đô. Gần đây có tiểu thuyết "Phố Hoài" của Trần Thị Trường kể về những người con Hà Nội bị chìm nổi kiếp sống theo thời cuộc. Và giờ đây là "Hà Nội và tôi" của Vũ Ngọc Tiến nói những phận người bị dập vùi khổ nạn của một thời chưa xa khủng khiếp.

Cái tên sách đặt theo lối đẳng lập. Tuy nhiên, đọc xong cuốn sách bạn sẽ thấy Tôi trong quan hệ đẳng lập với Hà Nội không phải một người, không phải ở số ít. Nó là số nhiều, đại diện cho số đông. Đó là một cái Tôi tập thể. Nhưng đồng thời nó vẫn là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất của mỗi nhân vật trong từng truyện từng bài của tập sách cất lên tiếng nói kể chuyện đời mình. Tác giả đã có sử dụng thủ pháp này trong một số truyện dưới dạng biên tập lại bản thảo ghi chép chuyện đời của nhân vật để nó cất lên tiếng nói riêng. Gộp lại cả thì "Tôi" đây trong tương quan đẳng lập với "Hà Nội" là sự đối thoại của công dân với thành phố, của nhà văn với bạn đọc, của hôm qua và hôm nay. "Tôi" đối thoại với Hà Nội trong sự yêu thương, giận dỗi, trách cứ, lo lắng, hy vọng, và Hà Nội cần phải lắng nghe và đáp lại lời "Tôi".

Vậy "Tôi" - Vũ Ngọc Tiến và "Tôi" – các nhân vật của ông đã nói gì với Hà Nội quê hương mình trong tác phẩm "Hà Nội và tôi" này?

HÀ NỘI VÀ TÔI

Tác giả: Vũ Ngọc Tiến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 298

Số lượng: 1000

Giá bán: 200.000đ

Nói rằng: Thương lắm một thời Hà Nội của Thăng Long mà có muốn níu giữ cũng không thể nào níu lại được. Ở đó có những ông đồ chăm lo dạy người, lưu truyền và gìn giữ đạo học thánh hiền. Ở đó có những người đàn bà tay buôn tay bán làm nên nghiệp nhà như mẹ ông, như "bà Nguyễn Du" Đinh Tuyết Chi, coi trọng chữ đức, gặp khi thời vận xoay chiều vẫn vững vàng chống chọi nghịch cảnh để làm chỗ dựa cho con cái. Ở đó có những doanh nhân như ông Mỹ Bảo buôn hàng tơ tằm với câu châm ngôn để đời: "Kinh doanh đôi khi cũng cần những mẹo lừa đúng luật mà vẫn giữ bền nhân cách" đã được chứng thực qua một mưu mẹo của ông cứu cho ngành tơ tằm khỏi phá sản trước sự chèn ép của người Nhật. Ở đó có người đàn ông tìm hoa trong rác, ngày tết đi nhặt lại những cành đào đang tươi bị vứt bỏ đem về chơi cho kiếp đào được sống lại và đẹp hơn. 

Nhưng tất cả đó chỉ còn là "vang bóng một thời" khiến tác giả ở cuối mỗi bài đều buông tiếng thở dài buồn bã luyến tiếc. Và không ngẫu nhiên ông để kết phần một "Hoài niệm Thăng Long" bằng câu truyện của một người Hà Nội đi kháng chiến chống Pháp lên miền rừng rồi ở lại luôn trên đó vì không còn nơi cho mình trở về nhà mình nơi phố phường. Ấy vậy nhưng cái chất người Hà Nội vẫn không chết trong ông. "Nghĩ cũng lạ, về già lắm lúc lẩn thẩn nhớ quê, tận thẳm sâu tôi chỉ ao ước được nhìn một mâm cỗ của người Hà Nội xưa có đủ bốn góc bốn bát măng, miến, bóng, mọc, còn các đĩa luộc, rán, xào, nướng tùy theo mùa vụ và khẩu vị mỗi nhà, nhưng bày biện phải đẹp vì người Hà Nội không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt" (tr. 89).

Nói rằng: Buồn lắm một thuở Hà Nội chỉ muốn quên đi cho chóng. Sao ở giữa thủ đô mà con người bị khốn nạn thế, cùng cực đáng thương thế! Như bà Tuyết "phe phẩy" tem phiếu, một cái "nghề" bị ghét bỏ thời bao cấp, nhưng bà có lòng thương người, hay giúp người khó khăn. Cái chết của bà là cái chết thảm của một con người khi đến cả một không gian riêng cho mình thỏa mãn nhu cầu riêng của mình cũng bị xâm phạm. Tác giả lại kết truyện bằng câu hỏi trĩu buồn: "Bà Tuyết Phe tự tử hay cuộc đời này hại chết bà?" (tr. 103). Như số kiếp một con người của Bôn Tây vào tù ra tội vì không tìm được một việc tử tế ở đời, vì khó được sống làm người lương thiện. Vào tù phải độc ác với đồng loại để khỏi bị ác lại. Nhưng ra tù biết làm sao sống được giữa đồng loại như một con người bình thường. Như Tâm "Sứt" con bà bán dưa gang đã bày mưu cho người yêu kiếm sống bằng cái nghề "nước vỏ lựu, máu mào gà" để lừa khách làng chơi, nhưng khi đã kiếm được vốn bằng cái việc tủi nhục ấy thì thôi, chuyển sang làm ăn khác, vì vẫn nhớ lời mẹ dặn tích đức ở đời cho con cháu. Đó là một Hà Nội của những người lầm than, khốn cùng nhưng họ vẫn muốn sống và vẫn cố sống cho ra con người.

Nói rằng: Trăn trở trước một Hà Nội hôm nay của thời kinh tế thị trường với những đại gia mới phất bằng nhiều thủ đoạn, với quá trình đô thị hóa lấn dần nông thôn không chỉ về đất đai mà cả văn hóa làng quê, với những ngổn ngang lo âu thủ đô mở rộng lãnh thổ mà thu hẹp lòng người. Mà tác giả không chỉ trăn trở cho Hà Nội. Khi về lại xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nơi ông sơ tán thời sinh viên và vẫn gắn bó đến tận bây giờ, ông cũng thấy xót xa trước nhiều sự thua thiệt phi lý cứ đổ xuống nông thôn và nông dân. Ông lại kết bài: "Hầu như người Hà Nội nào lứa 6x trở về trước cũng có một vùng quê sơ tán trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và vô cùng khốc liệt, dù không họ hàng quyến thuộc gì nhưng họ đã cưu mang và hy sinh vì ta. Nếu khi nhớ về vùng quê ấy tim ta hẫng đi một nhịp thì hãy nghĩ đến, liệu ta có thể làm gì thiết thực hôm nay để trả món nợ ân tình sâu nặng ấy!" (tr. 227).

Đó là một tiếng nói, những tiếng nói, của nhà văn Vũ Ngọc Tiến trong "Hà Nội và tôi" vọng lại và vang lên qua ba phần của cuốn sách. Tên sách này trùng với tên bài hát của nhạc sĩ Lê Vinh mà mười năm trước, dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, tôi đã thắc mắc khi không được nghe nó phát rộng rãi trên đài, mà chỉ nghe thấy toàn những bài ngợi ca hào hùng, âm vang. Một bài hát rất riêng tư, đời thường, nhưng chính vì vậy mà rất chung cho nhiều người, rất thấm sâu lòng người. 

"Hà Nội và tôi" cũng tức là "Hà Nội của tôi". Một Hà Nội của Lê Vinh. Và bây giờ một Hà Nội của Vũ Ngọc Tiến. Không chỉ là ở các hồi ức chuyện kể về dòng tộc, gia đình, quê quán của riêng tác giả, mà ở cả chuyện kể của những người khác tác giả được gặp, được nghe, được biết, tất cả hợp lại thành một Hà Nội trong ký ức, nỗi nhớ, nỗi đau của ông. 

Thể loại cuốn sách vì vậy được ông định danh là "truyện ký", truyện và ký. Ký là việc thực người thực, truyện cũng có cái gốc là thực nhưng đã qua hư cấu. Rõ nhất của truyện là "Ngoại tình tuổi năm mươi" in cuối sách, nhưng trong tập cũng có cái già ký non truyện và ngược lại. Một cái viết ngắn như "Người tìm hoa trong rác" có thể thành được một truyện ngắn hay. Hoặc như cái kết của "Bà Tuyết Phe" có thể biến một cái ký thành một cái truyện đau thương. 

Nhưng chung quy lại, dù truyện hay ký, tập sách này của Vũ Ngọc Tiến đã cấp cho bạn đọc một cái nhìn thật về một Hà Nội thật từ giữa thế kỷ XX đến hai mươi năm đầu thế kỷ XXI. Ông đã làm hiện lên một Hà Nội trong mắt một người Hà Nội là một bức tranh với nét gẫy, hình xiên, màu tối. Lại nhớ bộ phim tài liệu chấn động một thời của đạo diễn Trần Văn Thủy "Hà Nội trong mắt ai", từ thủ đô mà nhìn rộng ra kiếp người  dân cả nước. Cuốn sách này của Vũ Ngọc Tiến tiếp mạch viết về Hà Nội lai rai qua năm tháng và gần đây của Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Trung Sỹ... để ghi lại bằng con chữ những phôi pha bầm dập của những người được gọi tên là người Hà Nội.

Tôi người quê ra Hà Nội đã gần nửa đời nhưng vẫn thấy mình là người quê và có cảm giác mắc nợ Hà Nội trên trang viết. Cho nên những sách về Hà Nội tôi đều thích đọc và tìm đọc. Ai đã sống nơi đây hay dù chỉ ghé qua, tôi chắc, đều có một Hà Nội của mình và nếu gắn bó đủ sâu sắc thì đều có thể nói được như Lê Vinh và Vũ Ngọc Tiến "Hà Nội và tôi". Nghĩ vậy nên hồi làm Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đã dự định Hội sẽ lập một giải thưởng văn chương mang tên "Hà Nội của tôi" để trao cho các sáng tác văn thơ viết bằng tiếng Việt của người Việt và người nước ngoài bất kỳ sống ở đâu được in trên lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí tôi đã lập tờ trình và soạn thể lệ để báo cáo lãnh đạo thành phố, trong đó có đề nghị giải sẽ xét hai năm một lần, lấy ngày sinh nhà văn Tô Hoài (27/9) vào năm chẵn làm ngày trao giải. Tiếc là dự định này vẫn chỉ là dự định. Thôi, cũng coi như đấy là một nhịp tim hẫng hụt của tôi với Hà Nội vậy!

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 22/8/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem