Du lịch tả tơi vì Covid-19, hướng dẫn viên bán bảo hiểm, làm "cò đất", chưa biết khi nào trở lại

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 25/03/2021 19:41 PM (GMT+7)
Chuyển nghề sang bán bảo hiểm, "cò đất", bán đồ online, nhiều hướng dẫn viên du lịch vẫn không biết khi nào mới trở lại được công việc cũ.
Bình luận 0

Ngành du lịch trong nước đang có dấu hiệu phục hồi sau làn sóng Covid-19 lần thứ ba. Nhưng với các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vẫn hết sức khó khăn. Hầu hết nhân viên du lịch đều đã bỏ nghề, chuyển sang bán bảo hiểm, "có đất", bán nhà...

Du lịch te tua vì Covid-19

Tháng 8 năm ngoái, Kim Yến - hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch lữ hành lớn tại TP.HCM nghỉ việc, vì không còn nhiều khách đi tour. Nghỉ ở nhà được 1 tháng, Yến quyết định tìm việc mới, cô đi bán bảo hiểm cho một công ty có trụ sở quận 1.

"Thực tế từ tháng 3, tháng 4 năm ngoái, các hướng dẫn viên du lịch chúng tôi đã bắt đầu đói vì vắng khách, vắng tour. Nếu cứ tiếp tục chờ đợi khách thì không được nên hầu hết đều chủ động nghỉ việc. Tôi bán bảo hiểm, cô bạn tôi đi bán hàng ở trung tâm thương mại, một anh bạn cùng nhóm đi bán bất động sản, cứ thấy ngành nào cần hoạt ngôn là đều nhảy vào" - Yến nói.

Du lịch tả tơi vì Covid-19, bỏ nghề đi bán bảo hiểm, bất động sản chưa biết khi nào trở lại - Ảnh 1.

Các công ty du lịch lữ hành nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) te tua vì Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc.

Tuy vậy, theo Yến việc bán bảo hiểm không hề dễ; bởi ngoài hoạt ngôn, do chưa có kinh nghiệm nên thời gian qua cô vẫn chưa có nhiều hợp đồng. Yến khẳng định hướng dẫn viên du lịch vẫn là nghề hợp nhất với mình và luôn nghe ngóng để chờ ngày trở lại.

Tương tự, Nguyễn Minh Tuấn - một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour đi các tỉnh miền Tây cũng đã nghỉ việc gần cả năm qua.

 Tuấn cho biết, anh không chỉ đi làm "cò đất" bán bất động sản, mà còn phải làm "đụng" (đụng đâu làm đó) để có thêm thu nhập. Gom hết số tiền tích cóp sau 3 năm đi làm, anh hùn hạp với bạn mở một quán nước vỉa hè vào buổi tối.

"Thấy làm nhiều như vậy chứ thu nhập bấp bênh lắm. Tôi yêu thích công việc hướng dẫn viên du lịch, đi học ngành này, ra trường rồi làm luôn, nghỉ cả năm nay rất nhớ nghề nhưng không biết đến bao giờ mới được đi tour trở lại" - anh Tuấn nói.

Thống kê nhanh của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, đối với lực lượng hướng dẫn viên du lịch, chỉ còn lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động; trong đó, hướng dẫn viên quốc tế còn khoảng 10%, nội địa còn khoảng 40%-50%. Riêng đối với hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, kinh doanh bảo hiểm, bất động sản…

Tình trạng người lao động trong nhóm ngành du lịch tại TP.HCM mất việc hàng loạt là điều dễ hiểu bởi hầu hết doanh nghiệp du lịch lữ hành đã phải cắt giảm nhân sự, công ty nhỏ thì phá sản vì dịch bệnh. 

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến giữa tháng 3/2021, khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động.

Khả năng có thêm công ty du lịch bỏ cuộc

Ông Nguyễn Đông Hòa - phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group - cho rằng: Năm 2021 tiếp tục sẽ là một năm rất khó khăn với ngành du lịch, khả năng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc. 

Ông Hòa kiến nghị TP.HCM, cần xem xét các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như có thể sử dụng các quỹ hỗ trợ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp nhiều hơn.

Du lịch tả tơi vì Covid-19, bỏ nghề đi bán bảo hiểm, bất động sản chưa biết khi nào trở lại - Ảnh 3.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trong năm 2021. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM  - đánh giá "sức khỏe" của doanh nghiệp du lịch TP.HCM hiện rất yếu. Nếu không có những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời sẽ rất khó vực dậy ngành du lịch.

Vì vậy, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục giãn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp, gồm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ trong năm 2021.

Khi dịch được kiểm soát tốt, năm 2021, TP.HCM sẽ tập trung phát triển sản phẩm. Ngành du lịch TP sẽ ưu tiên phát triển những sản phẩm tiềm năng, đầu tư phát triển theo hướng đa dạng, kết nối với các tỉnh, thành như du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch văn hóa- lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực…

Cùng với đó, ngành Du lịch TP thúc đẩy triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống, khu vui chơi giải trí, các hãng hàng không để xây dựng chương trình du lịch tour, tuyến với giá cạnh tranh. 

Theo ước tính của Sở Du lịch TP.HCM, nếu dịch Covid-19 trong nước cơ bản kiểm soát, du lịch sẽ dần phục hồi với lượng khách nội địa đến TP.HCM khoảng 23-25 triệu lượt. Ngược lại, nếu dịch bệnh vẫn nhiều rủi ro thì du lịch vẫn duy trì hoạt động nhưng số lượng khách nội địa chỉ còn khoảng 15-18 triệu lượt khách. 

Năm 2020, doanh thu ngành du lịch TP.HCM năm 2020 đạt hơn 84.500 tỷ đồng. Trước đây, doanh thu ngành đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước nhưng với bối cảnh khó khăn, Sở Du lịch TP.HCM chỉ đặt kế hoạch nếu tình hình khả quan thì doanh thu năm 2021 ước đạt 97.700 tỷ đồng; nếu không thuận lợi, thì chỉ còn 63.200 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem