Du lịch Việt Nam 2024: Du lịch xanh, du lịch bền vững
Du lịch Việt Nam 2024 "gọi tên" điểm đến đặc trưng
Huy Hoàng
Thứ hai, ngày 01/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ là xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững. Để thu hút du khách, các điểm đến địa phương cần tạo nét riêng, đặc thù, nhận diện thương hiệu của mỗi vùng, địa phương đó.
Năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi. Theo thống kê từ Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm.
Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Điều này khiến nhiều chuyên gia du lịch nhận định, năm 2024 sẽ là năm ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự bứt phá và vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là dấu ấn ngoại giao, luật sửa đổi bổ sung về quản lý xuất nhập cảnh trong việc cấp thị thực điện tử (hay visa điện tử, ký hiệu EV) được nâng lên từ 30 ngày lên 90 ngày và có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Hiện nay khách quốc tế của chúng ta đang trong quá trình hồi phục, có một số thị trường quốc tế chưa hồi phục. Chúng ta có hai thị trường quan trọng đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, đã phục hồi khá nhanh. Tôi hy vọng năm 2024, hai thị trường này sẽ vượt năm 2019. Một thị trường khác cũng rất quan trọng là Trung Quốc đang được các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng năm 2024, lượng khách quốc gia này sang Việt Nam sẽ bằng với số lượng của năm 2019".
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình dự báo, ngành du lịch 2024 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. "Thứ nhất đó là nguồn khách, nhiều quốc gia chưa hồi phục. Thậm chí, chính sách ở nhiều quốc gia có sự thay đổi nhất định nên bắt buộc chúng ta phải xúc tiến mạnh hơn nữa. Thứ hai sản phẩm du lịch. Nhu cầu của khách trước và sau Covid sẽ khác. Sở thích của khách cũng thay đổi nên các doanh nghiệp phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.
Thứ ba là nguồn nhân lực. Như chúng ta đã biết, mấy năm dịch Covid, 50% nguồn nhân lực lao động du lịch đã chuyển sang ngành khác, năm 2023 chúng ta đã cố gắng hết sức để thu hút lại nguồn nhân lực, và năm 2024 sẽ tiếp tục công việc này.
Bên cạnh đó, xúc tiến du lịch cũng là một khó khăn. Thế nhưng năm 2024, Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ VHTTDL cũng có quyết tâm và phía Nhà nước cũng sẽ có đầu tư nhiều hơn nữa về vấn đề xúc tiến ở tầm vĩ mô, còn các doanh nghiệp du lịch cũng hiểu rằng cần phải đẩy mạnh nhiều hơn nữa những xúc tiến sản phẩm để bán được nhiều các sản phẩm ra với thị trường nước ngoài. Vì vậy tôi tin năm 2024 sẽ là năm hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch cả trong nước và quốc tế ở Việt Nam", ông Vũ Thế Bình nói.
Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho hay: "Tôi cho rằng xu hướng "lên ngôi" du lịch năm 2024 là du lịch xanh, du lịch bền vững. Bên cạnh đó, khách du lịch mong muốn được trải nghiệm, khám phá, đó cũng là xu hướng của toàn cầu".
Theo ông Tuyên, thời gian vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm rất tốt từ việc nghiên cứu thị trường, đưa ra các thông số để nghiên cứu về đối tượng, thị phần để giúp các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch kịp thời bổ sung những điểm nào mạnh và điểm nào yếu. Điều này cũng chính là điểm mạnh khiến cho bức tranh du lịch Việt Nam tỏa sáng trên thị trường thế giới.
Khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam đều có nhận định họ chọn Việt Nam bởi sự thân thiện, an toàn và tài nguyên thiên nhiên du lịch. Bởi thực tế có nhiều nước trên thế giới hay khu vực Đông Nam Á, không phải nước nào cũng có tình hình an ninh chính trị, ổn định như ở Việt Nam.
Việt Nam là đất nước giàu về tài nguyên thiên nhiên du lịch khi có tới 7 vùng du lịch, mỗi vùng lại có đặc thù riêng. Nên nếu đi du lịch Việt Nam 1, 2 tháng chưa thể đi hết, chứ đừng nói là chỉ đi 1 đến 2 tuần. Hơn nữa các tỉnh, thành, tuyến điểm đều có sản phẩm du lịch mới.
Tôi ví dụ, như trước đây du khách đến Hà Nội, giỏi lắm chỉ 1 đến 2 đêm là hết các điểm tham quan thế nhưng hai năm trở lại đây Hà Nội đã làm rất tốt, mới đây đã công bố có tới 15 sản phẩm du lịch đêm, chưa kể còn có nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội như huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng… cũng đã xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch về du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái…điều này cho thấy càng ngày Việt Nam càng có nhiều điểm đến ở địa phương để du khách có thể lựa chọn và trải nghiệm, khám phá".
Xu hướng du lịch Việt Nam 2024: Các địa phương cần tạo nét đặc trưng, nhận diện thương hiệu để hấp dẫn du khách
Còn bà Nhữ Thị Ngần – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi tourism) thì phân tích, thị trường du lịch năm 2024, sẽ là năm ổn định không có tính đột phá, biến động như năm 2022, 2023. Nhu cầu khách sẽ thay đổi rất nhiều, từ lựa chọn điểm đến hoặc là lựa chọn loại hình dịch vụ, loại hình tour của du khách sẽ thay đổi.
"Vì vậy, tôi nghĩ nhu cầu của du khách đi du lịch năm 2024 sẽ khó tính hơn. Đầu tiên đó là mức độ kinh phí được khách tính toán kỹ hơn. Trước tiên là khách sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp đúng với nhu cầu của họ. Việc chi tiêu thực sự khách sẽ thông minh hơn rất nhiều, họ sẽ đánh giá sản phẩm du lịch mang tính bền vững, tính riêng tư, đặc biệt đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ và không còn mang tính phong trào đi du lịch ồ ạt để giảm stress.
Nên hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị sản phẩm mang tính thiết kế đặc thù, đặc biệt chú ý yếu tố liên quan tới riêng tư, sức khỏe, trải nghiệm mới. Sản phẩm khách yêu cầu sẽ đề cao hơn tính sự trải nghiệm về văn hóa, tính đặc sắc của bản địa nơi đến, không chỉ đơn thuần là đi chơi, check in mà sẽ phải là điểm đến đó có gì mới, có gì lạ, đọng lại cho du khách những gì.
Tất cả những điều này sẽ là khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2024 nhưng cũng là cơ hội để cho thị trường du lịch có sự thay đổi, khiến cho tiêu dùng của khách chuẩn xác hơn trong việc chi trả cho các chuyến đi. Và đây cũng là cơ hội cho những người làm du lịch chuyên nghiệp, làm du lịch có bài bản, thương hiệu và uy tín".
Theo bà Ngần, phân khúc được chia làm hai nhóm rõ rệt. Một nhóm du khách có mức độ chi tiêu trung bình và nhóm du khách cao cấp, có mức chi phí cao, đòi hỏi trải nghiệm mang tính đặc sắc, duy nhất có tính khác biệt. Vì vậy năm 2024, khó khăn cho các điểm đến địa phương là làm thế nào gọi tên ra được tính đặc trưng của vùng đó. Và trải nghiệm đó có những gì, dịch vụ ra sao.
Các điểm đến sẽ không thể cạnh tranh nhau được nếu không có gì khác biệt, đặc trưng. Nếu chúng ta không ý thức được điều này vẫn chỉ gần như bắt chước nhau thì vô hình chung là đang triệt tiêu lẫn nhau, còn với du khách thì thấy các chương trình của các điểm đến na ná như nhau thì họ sẽ chỉ chọn một điểm đến mà bỏ qua điểm đến khác.
Năm 2024, bà Ngần không kỳ vọng số lượng khách bằng năm 2019, bởi dù Việt Nam đã hoàn toàn khôi phục các hoạt động du lịch thì vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Bởi bà cho rằng, khó khăn đầu tiên là việc nối lại các chuyến bay thương mại đến các quốc gia hiện tại chưa đảm bảo được tần suất và tính ổn của đường bay. Chưa kể liên quan tới chi phí giá vé tăng khiến lượng khách chọn di chuyển bằng đường hàng không đối với du khách nội địa và đối với du khách quốc tế đều ít hơn.
Lý do tiếp theo là một số quốc gia bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế nên hành vi tiêu dùng của khách thay đổi rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành, trong đó có doanh nghiệp đã phải thay đổi các sản phẩm. Có những sản phẩm phải thay đổi hoàn toàn như là mới, từ cách thức đến thiết kế cho đến dịch vụ, cách tiếp cận cũng thay đổi. "Chính vì vậy, chúng tôi chỉ kỳ vọng năm 2024, số lượng khách hơn năm 2023 khoảng 20%-30% thì đó là đã rất thành công", bà Ngần cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.