Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs

Thanh Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 10/02/2024 09:00 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024 sẽ đẩy mạnh sự kết hợp với các travel blogger, KOLs, influencer nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.
Bình luận 0

Kỳ vọng du lịch Việt Nam đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng năm 2024

Ông nhận định thế nào về xu hướng và kỳ vọng của ngành du lịch trong năm 2024?

- Chúng ta biết sau dịch Covid -19, nhu cầu đi du lịch của khách du lịch đã thay đổi hoàn toàn, từ đó tạo nên xu thế, xu hướng khách du lịch mong muốn trải nghiệm trong bối cảnh mới, khác biệt so với trước đó. 

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), sẽ có một số loại hình du lịch mới phù hợp hơn sau đại dịch Covid-19, đó là du lịch gắn liền với thiên nhiên, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với giá trị văn hóa bản địa và nâng cao trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Du lịch gắn với công nghệ mà chúng ta thường nói đó là du lịch thông minh.

Clip: Nguyễn Viết Niệm

Bên cạnh đó, tất cả các loại hình du lịch về thể thao đặc biệt là du lịch văn hóa thì sẽ có chiều sâu hơn. Tất cả các loại hình du lịch này sẽ là xu hướng lên ngôi năm 2024.

Với du lịch Việt Nam, trong thời gian qua, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực nhận diện rất rõ về xu hướng này, trên cơ sở đó họ đã xây dựng lên những sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu của thị trường, và một số thị trường đặc biệt hơn của khách du lịch, tạo nên sức hấp dẫn trong năm 2024.

Ngành du lịch Việt Nam đặt ra chỉ tiêu, năm 2024 ước đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; đón 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Viết Niệm)

Trong đó, để thu hút khách quốc tế, ngành du lịch sẽ triển khai một số nhóm nhiệm vụ gồm: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn, có chi tiêu du lịch cao; Xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam kết nối với các thành phố của các thị trường khách du lịch mục tiêu.

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 2.

Du khách nước ngoài và người dân tham quan, trải nghiệm và mua đồ tại phố Hàng Lược chiều chiều 4/2 tức ngày 25 âm lịch. (Ảnh: Huy Hoàng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ cuối năm 2023, tin vui cho ngành du lịch Việt khi các siêu du thuyền chở hàng nghìn du khách quốc tế đã đổ bộ Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa). Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để số lượng khách này chi tiêu, lưu trú dài ngày khi cập các bến cảng của Việt Nam?

- Tôi đánh giá cao sự tăng trưởng của khách du lịch tàu biển đến Việt Nam trong thời gian gần đây, là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch nước ta, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, để hạn chế cảnh chèn ép, tăng giá tại các điểm đến, đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp du lịch phải niêm yết giá cả. (Ảnh: Nguyễn Viết Niệm)

Du lịch tàu biển là một loại hình du lịch cao cấp, mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách và các địa phương điểm đến. Việt Nam nằm trên tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng, có đường bờ biển dài, với nhiều vịnh, đảo, bãi biển đẹp… là những lợi thế thu hút khách du lịch tàu biển, từ đó gia tăng tổng thu từ du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Khách du lịch tàu biển thường có mức chi tiêu cao hơn so với các loại hình du lịch khác.

Thời gian tới, để khai thác hiệu quả loại hình du lịch này, toàn ngành cần tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là "cái bắt tay" các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong đầu tư phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng phục vụ khách tàu biển.

Xây dựng đồng bộ hạ tầng kết nối cảng biển với điểm đến; đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đón khách. Mặt khác, ngành du lịch, đặc biệt là khối doanh nghiệp, người lao động trong ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt giữa các điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm dựa trên nhu cầu và sở thích của du khách tàu biển; tăng cường xúc tiến nhằm thu hút các hãng tàu quốc tế xây dựng hải trình đến với Việt Nam.

Các địa phương cần nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển các điểm mua sắm chất lượng, đáp ứng các tiêu chí đa dạng về sản phẩm chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mang tính văn hóa địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên biệt phục vụ cho dòng khách tàu biển cao cấp.

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 4.

Người dân mua đồ tại phố Hàng Lược chiều chiều 4/2 tức ngày 25 âm lịch. (Ảnh: Huy Hoàng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Du lịch Việt Nam: Hạn chế cảnh chèn ép, tăng giá tại các điểm đến, đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, niêm yết giá

Sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương. Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, nhất là trong các dịp lễ Tết, chèn ép du khách. Đây cũng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành và du khách? Ông nghĩ sao về điều này?

- Năm 2023, du lịch Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn tồn tại một số hạn chế liên quan đến công tác quản lý điểm đến mà vai trò ở đây thuộc về các địa phương, các điểm đến du lịch. 

Một số thời điểm đã xảy ra các hiện tượng như tăng giá dịch vụ, chèn ép, chèo kéo du khách… Để giải quyết được những tồn tại hạn chế này, cơ quan quản lý Nhà nước như chúng tôi cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ, Tết hoặc những dịp cao điểm của du lịch. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp du lịch phải niêm yết giá cả, cũng như tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với khách du lịch. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức  trong việc cung cấp các dịch vụ du lịch đúng với giá trị của sản phẩm để đảm bảo được hình ảnh điểm đến.

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 5.

Du khách nước ngoài háo hức đi tham quan, mua sắm tại phố Hàng Lược chiều 4/2 tức ngày 25 âm lịch. (Ảnh: Huy Hoàng

Nhìn lại năm 2023, các sự kiện văn hóa đã thu hút được lượng lớn khách du lịch từ trong nước và nước ngoài. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm chính của ngành du lịch Việt Nam đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2023, chúng ta chứng kiến rất nhiều hoạt động du lịch được phát triển mạnh mẽ thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa như trình diễn về thời trang, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt… Nó đã mở ra một hướng mới cho du lịch Việt Nam. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, Chính phủ lần đầu tiên chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hóa để không chỉ phục vụ phát triển kinh tế xã hội mà trong đó còn phát triển hoạt động du lịch. 

Chúng tôi cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng là để phát triển du lịch thì chúng ta rất cần có những ý tưởng sáng tạo, cần có sự kết hợp công nghệ để làm sao biến ý tưởng đó thành những sản phẩm mang tính sáng tạo, mang tính thông minh cũng như tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn đối với khách du lịch. Điều này sẽ một trong những định hướng cho các doanh nghiệp du lịch cần nắm bắt trong thời gian tới, để chúng ta phát triển dòng sản phẩm mạnh mẽ, thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm. Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia còn ít. Việc xúc tiến, quảng bá nâng cao vị thế, hình ảnh du lịch cả trên thực tế và không gian mạng đang còn hạn chế. Ông nghĩ sao về những nhận định này? 

- Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, các chiến dịch quảng bá, xúc tiến mang quy mô và tầm vóc quốc gia của ngành du lịch còn ít so với yêu cầu đặt ra. Đây có thể coi là điểm yếu của du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Nguyên nhân từ nhiều lý do chủ quan và khách quan, trong đó gồm có cơ chế, nguồn kinh phí, sự phối hợp liên ngành và nhân lực làm công tác xúc tiến quảng bá du lịch…

Năm 2024: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt kết hợp travel blogger, KOLs- Ảnh 6.

Các món đồ được bày bán tại phố Hàng Lược. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trong năm 2004 và giai đoạn tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ cùng các các cơ quan liên quan, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch huy động nguồn lực phù hợp tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia nhằm tạo đột phá về nhận diện thương hiệu, hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao...; nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế; kết hợp với các travel blogger, KOLs, influencer quảng bá du lịch Việt Nam; chủ động cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam và mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham dự…

Xin cảm ông Nguyễn Trùng Khánh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem