Đến nay, dự án thu phí tự động không dừng đang được Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc các đơn vị và các nhà đầu tư dự án BOT gấp rút triển khai đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành trước 31/12.
Dự án thu phí tự động không dừng được chia thành 2 giai đoạn và đã cơ bản hoàn thành, dự kiến, dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Giai đoạn 1 của dự án đã triển khai trên các trạm thu phí trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến quốc lộ, cao tốc có lưu lượng giao thông lớn đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm).
Đối với 4 trạm thu phí còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai được là các trạm thuộc hệ thống đường cao tốc do VEC đang quản lý thực hiện. Lý giải về 4 trạm do VEC quản lý vỡ kế hoạch, Bộ GTVT cho rằng, do những vướng mắc về do nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp việc thực hiện đầu tư, vận hành hệ thống thu phí không dừng chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020.
Giai đoạn 2 của dự án, Bộ GTVT đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn công nghệ viễn thông quân đội - Viettel) để triển khai đồng thời các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc (33 trạm).
Trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, có 8 trạm có tính chất đặc thù Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để đảm bảo hiệu quả gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà).
Đáng chú ý, có 3 trạm BOT chưa được thu phí đang được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu-Quốc lộ 3, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm Quốc lộ 51 nên việc triển khai ETC không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn dưới 3 năm.
Cùng với đó, có cả 5 dự án đặc thù nêu trên hiện phương án tài chính ở tình trạng rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Xử phạt xe đi sai làn thu phí
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tiến độ triển khai ETC đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra, đến ngày 31/12/2020 cơ bản các trạm sẽ thu phí tự động không dừng. Sau thời hạn trên nhà đầu tư BOT nào không lắp đặt thu phí không dừng, Tổng cục sẽ kiên quyết tạm dừng thu phí cho đến khi thực hiện xong theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Huyện, trong tổng số hơn 70 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý triển khai có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện xong. Điều này giúp chủ phương tiện chỉ sử dụng một thẻ đi qua được tất cả các trạm trong toàn quốc.
Các trạm thu phí cũng sẽ được phân làn rõ ràng, sẽ có làn dành riêng cho thu phí tự động và làn hỗn hợp, chỉ xe dán thẻ và có tiền trong tài khoản mới được phép đi vào làn thu phí không dừng. Xe đi sai làn sẽ bị xử phạt.
Trong tháng 12, Tổng cục sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng theo Nghị định 100/2019 với mức phạt từ 1-2 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1-3 tháng cho lỗi đi sai làn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiến tới xử phạt nguội, thông báo cho chủ phương tiện và sẽ truy thu, xử phạt khi xe ôtô đi đăng kiểm. Xe không dán thẻ sẽ phải chờ kể cả trạm ùn tắc cũng không xả trạm để khuyến khích chủ phương tiện nạp tiền, sử dụng dịch vụ, nâng cao hiệu quả thu phí không dừng.
Xử lý mạnh tay với nhà đầu tư chây ì
Trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Bây là tháng 12 rồi, do đó, tôi cho rằng dự án thu phí tự động không dừng không đạt kết hoạch. Hiện, Bộ GTVT cũng đã có giải trình về nguyên nhân bị chậm rồi, trong đó, có nguyên nhân khách quan và chủ quan".
"Theo tôi nguyên nhân chính là chúng ta chưa lường hết được những bất cập mà từ trước tới giờ Việt Nam chưa có tiền lệ. Việc đơn giản nhất là chúng ta còn chưa nắm rõ được hết các tài xế, chủ xe có những tài khoản ngân hàng nào để triển khai thu phí tự động không dừng", ĐBQH Phạm Văn Hoà đánh giá.
ĐBQH Phạm Văn Hoà đặt vấn đề: "Để thực hiện được dự án, Bộ GTVT phải có sự kiên quyết trong năm 2021, chưa có 1 dự án nào mà Thủ tướng lại quan tâm, lại có nhiều văn bản chỉ đạo như dự án thu phí tự động không dừng. Bộ GTVT cũng phải tìm các phương án phòng chống tình trạng chủ đầu tư khai gian dối khi thực hiện dự án",
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, hiện, Bộ GTVT chỉ đề xuất có 1, 2 ngân hàng tham gia vào dự án thu phí tự động không dừng là không công bằng và rất bất cập. Đây cũng chính là nguyên nhân cốt lõi khiến dự án thu phí không dừng không đạt được. Đặc biệt, thu phí không dừng cũng không đa dạng dịch vụ như dừng trước trả sau các mạng thuê bao di động.
Nếu nhà đầu tư chây ì không chịu thực hiện dự án, thì Bộ GTVT cần mạnh tay có những hình thức xử lý phạt, hoặc không cho thu phí. Trong đó, có thể xử phạt vi phạm hành chính, nếu phạt nhiều mà vẫn tái phạm thì còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.