Đường nhập lậu: Số lượng giảm nhưng vẫn là “mối nguy” cho ngành mía đường

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 19/02/2021 19:25 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngay sau khi có quyết định khởi xướng điều tra từ Bộ Công Thương, lượng đường nhập lậu ngay lập tức giảm. Tuy nhiên, ngành mía đường trong nước vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do mặt hàng này gây ra.
Bình luận 0

Theo đại diện VSSA cho hay, trong nửa đầu tháng 01/2021, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, đường nhập lậu và cả chính ngạch đều bị hụt nguồn cung và không còn khả năng làm chủ thị trường.

Nguyên nhân nguồn cung thiếu hụt là do khủng hoảng logistic toàn cầu và mức độ kiểm soát đường biên giới gia tăng để phòng chống dịch bệnh Covid 19 khiến chuỗi cung ứng đường nhập khẩu bị gián đoạn tạm thời.

Theo đó, giá thị trường vào đầu tháng tiếp tục đà tăng của tháng 12/2020 do không còn bị áp lực ép giá của của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Về cuối tháng, các nhà máy tiếp tục tăng giá đường đồng thời tăng giá mua mía cho nông dân.

Đường nhập lậu: Giảm số lượng nhưng vẫn là “mối nguy” cho ngành mía đường - Ảnh 1.

Các nhà máy đã tăng giá mua mía cho nông dân

"Tuy nhiên lượng đường nhập lậu từ các khu vực Lao Bảo, Quảng trị, Bình Phước, Long An, An Giang, Đồng Tháp đã tràn về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các thương nhân vẫn tiếp tục nhập khẩu đường về và cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần của các nhà máy. Với ưu thế giá rẻ hơn, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu vẫn chiếm được thị phần lớn hơn và sản lượng bán của các nhà máy vẫn bị giới hạn", đại diện VSSA thông tin.

Cũng theo thông tin từ phía VSSA, ngày 21/09/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Trong 9 tháng đầu năm 2020 trước khi có quyết định điều tra, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan là 952,812 tấn chiếm 91% còn năm quốc gia ASEAN nêu trên là 80,861 tấn chiếm 7,7%. Tuy nhiên trong 3 tháng cuối năm 2020, sau khi có quyết định điều tra, hiện tượng bùng nổ đã xảy ra khi lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan là 378,760 tấn chỉ còn chiếm 70% trong khi năm quốc gia ASEAN nêu trên là 134,678 tấn chiếm 25%.

Như vậy trong tháng 12/2020 đã tiếp tục xuất hiện dấu hiệu của lẩn tránh phòng vệ thương mại dù mới chỉ trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường.

"Trong tháng 1/2021 chúng tôi chưa có số liệu của Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy các yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam vẫn rất cao bất chấp giá tăng trên thị trường quốc tế. Như vậy, sau khi có quyết định điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, khối lượng đường nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam với khối lượng lớn.

Các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân nhưng tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới không dễ dàng trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Nếu đường từ mía tiếp tục bị tồn kho dù đang vào chính vụ, dẫn đến không thể thanh toán tiền mía cho nông dân, sẽ là tổn thất nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam", đại diện VSSA thông tin thêm.

Đường nhập lậu: Giảm số lượng nhưng vẫn là “mối nguy” cho ngành mía đường - Ảnh 2.

Đường nhập lậu vẫn gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường Việt.

Mới đây, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

"Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem