Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang phớt lờ chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hà Nội?

Nguyễn Thành Long Thứ hai, ngày 14/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Mặc dù Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã chỉ đạo xử lý vi phạm nhưng tình trạng chiếm dụng mặt bằng thuộc phạm vi đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn ngang nhiên diễn ra.
Bình luận 0

Lãnh đạo TP yêu cầu sở, quận xử lý nghiêm

Mới đây, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản 3972/VP-GPMB (ngày 5/5/2021), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông về việc giải tỏa mặt bằng bị chiếm dụng phục vụ công tác bàn giao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, văn bản của UBND TP.Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra hiện trường phục vụ công tác bàn giao hồ sơ, tài liệu, bàn giao mốc chỉ giới đường đỏ, mặt bằng của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan thấy rằng, trong phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án, mặt bằng của một số vị trí đang bị người dân tự ý lấn chiếm để sử dụng, kinh doanh.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 1.

Ga Cát Linh nằm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) đang tồn tại nhiều bất cập trong khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa được đưa vào vận hành, khai thác thương mại. (Ảnh: Lê Thành Long).

Cụ thể, trên địa bàn quận Đống Đa, tại vị trí thang B (ga Thái Hà, phường Trung Liệt), tường rào của sân vận động Đống Đa xây lấn chỉ giới đường đỏ của dự án 20-40cm; phạm vi mặt bằng các ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, đoạn cong thuộc phường Thịnh Quang người dân tự ý để xe, để xe rác thải, bán cà phê...

Trên địa bàn quận Thanh Xuân, phạm vi đoạn cong thuộc phường Thượng Đình (đã được Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao cho UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Thượng Đình quản lý từ năm 2016), các hộ dân xây dựng công trình nhà ở lấn chiếm phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án 0,4m-2m; Ga Thượng Đình, ga Vành đai 3, người dân tự ý chiếm chỉ giới để họp chợ, kinh doanh, để xe...

Trên địa bàn quận Hà Đông, tại tuyến nhánh ra, vào của dự án nằm trên địa bàn phường Phú Lãm, người dân tự ý chiếm toàn bộ gầm cầu đường sắt đô thị để xây dựng xưởng sản xuất, bãi để vật liệu, trồng cây lâu năm, xây dựng nhà tạm, kinh doanh quán cafe..; 

Khu vực Depot (phường Phú Lương), người dân tự ý tập kết vật liệu xây dựng, lập kho bãi; Ga Yên Nghĩa (thang B): Showroom của TOYOTA xây dựng tường rào, cổng ra vào lấn chiếm chỉ giới đường đỏ của dự án khoảng 1-3m. Tại ga Văn Khê (thang B), có bãi tập kết vật liệu, công trình xây dựng của hộ dân chiếm dụng phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 2.

Khu vực ga Hà Đông (quận Hà Đông) xuất hiện tình trạng người dân chiếm dụng làm khu vực để xe, để hàng hoá, kinh doanh. (Ảnh: Lê Thành Long).

Ngoài ra, tại các ga: Hà Đông, Văn Quán, Phùng Khoang cũng có hiện tượng lấn chiếm chỉ giới để kinh doanh, để xe máy...

Để bảo đảm công tác bàn giao dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông tổ chức kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, chiếm dụng mặt bằng nằm trong phạm vi ranh giới của dự án theo đúng quy định; tập trung chỉ đạo Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND các phường liên quan phối hợp, quản lý chặt chẽ hiện trạng; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh.

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kiểm tra, hướng dẫn xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, báo cáo kết quả về UBND TP.Hà Nội.

Sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại

Ghi nhận của PV Dân Việt trong những ngày đầu tháng 6/2021 cho thấy, mặc dù đã có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông về việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, chiếm dụng mặt bằng nằm trong phạm vi ranh giới của dự án theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh tuy nhiên đến nay tình trạng trên vẫn ngang nhiên diễn ra, dường như đang thách thức sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.Hà Nội.

Đơn cử, ghi nhận của PV Dân Việt trong các ngày từ 11-14/6 cho thấy, tại nhà ga Cát Linh (quận Đống Đa) vẫn ngang nhiên tồn tại các bãi đỗ xe tự phát, nhiều phương tiện ô tô chiếm dụng mặt bằng thuộc phạm vi dự án để đỗ xe.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 3.

Không chỉ biến thành bãi đỗ xe tự phát mà mặt bằng ga Cát Linh thuộc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn bị chiếm dụng để người dân bán trà đá. (Ảnh chụp ngày 14/6 - thời điểm chính quyền Hà Nội vẫn chưa cho phép loại hình kinh doanh này được hoạt động trở lại để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Lê Thành Long).

"Tình trạng đỗ xe chiếm dụng mặt bằng của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cụ thể là ga Cát Linh đã xuất hiện được khoảng một năm trở lại đây và hầu như không bị cơ quan chức năng xử lý", anh  Dương – người dân sinh sống gần ga Cát Linh cho hay.

Chị Huyền - chủ cửa hàng tạp hóa nằm trên đường Hào Nam, đối diện nhà ga Cát Linh cho biết: "Các phương tiện đỗ tại đây có những chiếc đỗ từ sáng đến tối, thậm chí có những chiếc xe ô tô đỗ mấy ngày liên tục không được di chuyển… việc này đã xâm phạm hành lang an toàn giao thông và không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy…".

Không chỉ trở thành nơi đỗ xe trái phép, khu vực thuộc phạm vi ga Cát Linh đã xuất hiện nhiều quán nước tự phát xung quanh khu vực nhà ga Cát Linh, dù hiện tại chính quyền Hà Nội vẫn chưa cho phép loại hình kinh doanh này được hoạt động trở lại để phòng dịch Covid-19. Ngoài ra, có nơi trở thành "nhà vệ sinh công công" gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 4.

Dưới chân đường sắt Cát Linh - Hà Đông đoạn Yên Lãng (quận Đống Đa) bị chiếm dụng làm đất trồng cây cảnh. (Ảnh: Lê Thành Long).

Ngoài ra, ghi nhận của PV Dân Việt dọc theo tuyến đường Cát Linh – Hà Đông từ cho thấy, hiện tại tình trạng chiếm dụng mặt bằng của Dự án vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Tại khu vực ga Thái Hà, ga Láng tình trạng để xe rác vẫn diễn ra; dưới chân đường sắt trên cao đoạn Yên Lãng (quận Đống Đa) bị chiếm dụng làm đất trồng cây cảnh. Tương tự, khu vực lên xuống nhà ga La Khê, ga Hà Đông (quận Hà Đông) xuất hiện tình trạng người dân chiếm dụng làm khu vực để xe, để hàng hoá, kinh doanh.

Một số hình ảnh PV Dân Việt ghi nhận trong thời điểm tháng 6/2021.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 5.

Tại nhà ga Cát Linh (quận Đống Đa) ngang nhiên tồn tại các bãi đỗ xe tự phát, nhiều phương tiện ô tô chiếm dụng mặt bằng thuộc phạm vi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đỗ xe nhưng không bị xử lý. (Ảnh: Lê Thành Long)

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 6.

Tuyến đường bên dưới đường sắt trên cao đoạn từ nhà ga Cát Linh đến nhà ga La Thành cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng đỗ xe sai quy định. (Ảnh: Lê Thành Long).

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 7.

Tại khu vực ga Thái Hà tình trạng để xe rác vẫn diễn ra. (Ảnh: Lê Thành Long).

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 8.

Khu vực ga La Khê (Hà Đông) được tận dụng để hàng hoá, kinh doanh. (Ảnh: Lê Thành Long).

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chiếm dụng mặt bằng: Ai đang "thách thức" chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP? - Ảnh 9.

Thậm chí khu vực lên xuống nhà ga La Khê (quận Hà Đông) xuất hiện tình trạng người dân chiếm dụng làm khu vực để xe. (Ảnh: Lê Thành Long).

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - ĐH Quốc gia-vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông-trung tâm Hà Đông-La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông). Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, với kế hoạch hoàn thành năm 2016, nhưng chậm tiến độ tới nay. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu.



 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem