Ghi nhanh: Nông dân hào hứng về Đắk Lắk để được đối thoại với Thủ tướng

Văn Long Chủ nhật, ngày 27/09/2020 13:09 PM (GMT+7)
Ghi nhanh của PV Dân Việt cho thấy, ngay từ sáng sớm ngày 27/9, nông dân từ nhiều tỉnh, thành cả nước đã về thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ diễn ra vào chiều mai 28/9. Rất nhiều nông dân cho biết, đã mong mỏi được gặp Thủ tướng từ lâu...
Bình luận 0

Chiều 28/9, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 do Trung ương Hội Nông dân chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt thực hiện sẽ chính thức diễn ra. 

Đến phố núi Buôn Ma Thuột vào sáng sớm, sát ngày Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 3, anh Nguyễn Thanh Tuấn (43 tuổi, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết rất vui mừng khi được mời đến tham gia. Hơn nữa, anh cũng rất hồi hộp trước thềm hội nghị, mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp người dân phát triển kinh tế.

Nông dân về với hội nghị Thủ tướng lần 3: Mong muốn hưởng lợi trên sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Anh Tuấn bên trong trang trại có doanh thu gần 7 tỷ đồng của gia đình mình.

"Tôi rất mừng khi được Hội Nông dân, Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt giới thiệu để có mặt tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đăk Lăk. Đặc biệt, tôi cũng hồi hộp và có nhiều tâm tư, mong muốn được gửi đến Thủ tướng tại hội nghị.

Theo tôi được biết, quyết định 673/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại nhiều sự thuận lợi về vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân, dạy nghề, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi cho nông dân để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 sẽ hết hạn, vì vậy chúng tôi mong muốn Thủ tướng tiếp tục gia hạn để người dân phát triển kinh tế, hưởng lợi trên chính sản phẩm nông nghiệp mình làm ra", ông Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, trang trại rộng 2,2ha tại xã Tam Hiệp của anh Tuấn đang thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhông cát là sản phẩm chủ lực, mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hiện, anh đang tiếp tục phát triển để tăng số lượng nhông cát sinh sản và thương phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nông dân về với hội nghị Thủ tướng lần 3: Mong muốn hưởng lợi trên sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 3.

Trao đổi với phóng viên, ông Đường mong muốn qua hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để phát triển tam nông.

Cùng tâm trạng với ông Tuấn, ông Trần Huy Đường (chủ Trang trại Langbiang, Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), đại diện một nông dân sẽ trực tiếp đối thoại, đặt câu hỏi tại hội nghị cho hay: "Trong những năm qua, chúng tôi rất vui mừng khi Nhà nước, Thủ tướng, các Bộ đã quan tâm, đưa ra nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua Báo Nông thôn ngày nay, tôi cũng biết đến nhiều mô hình hay, hiệu quả cao trên cả nước.

Tuy nhiên, việc đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao tại TP .Đà Lạt có chi phí rất cao. Mặc dù làm nông nghiệp có hệ thống cơ sở hạ tầng giá trị hàng tỷ đồng nhưng khi vay vốn ngân hàng vẫn phải thế chấp. Trong khi đó, hệ thống nhà kính rất hiện đại nhưng lại không được các công ty bảo hiểm chi trả nếu xảy ra sự cố. Có một số đơn vị chi trả bảo hiểm nhưng họ lại chỉ bảo hiểm cháy nổ, khong phải bảo hiểm thiên tai. Chính vì vậy, ông Đường mong muốn Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành có những chiến lược, chính sách để phát triển ngành nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Nông dân về với hội nghị Thủ tướng lần 3: Mong muốn hưởng lợi trên sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 4.

Ông Công cho rằng, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng của người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Công (HTX nông nghiệp dịch vụ Nam Yang, thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) lại có rất nhiều băn khoăn về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Chính vì vậy, khi trò chuyện với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Công mong muốn thông qua hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 3, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. lâu nay, tình trạng phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật không đạt chuẩn gây hại rất lớn cho người dân. Năng suất giảm, cây trồng bị hại khiến người nông dân rất "đau đầu" nhưng không biết kêu ai.

Hiện, HTX Nam Yang có 110 thành viên với diện tích sản xuất 200ha (trong đó có 80ha hồ tiêu, 120ha cà phê). Trong năm 2020, HTX sẽ làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm cà phê. Đặc biệt, HTX đã có 3 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

400 đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân

Theo Ban Tổ chức, sẽ có 400 đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân diễn ra vào chiều 28/9 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", hội nghị lần này tập trung vào việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Hội nghị cũng là dịp để bà con nông dân bày tỏ, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem